Hội thảo được đồng tổ chức bởi Cục Quản lý Y dược Cổ truyền - Bộ Y tế, và TRAFFIC, là một phần trong các hoạt động liên tiếp dựa trên Biên bản ghi nhớ hợp tác trong 5 năm vừa ký kết giữa hai bên.
Các đại biểu cùng truyền thông cho các thầy thuốc y học cổ truyền khắp cả nước nhằm giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác. Các đại biểu cũng sẽ thảo luận những cách thức hiệu quả nhất để truyền tải thông điệp này.
Hội thảo sẽ thúc đẩy những nỗ lực hợp tác trong việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã bằng việc ngăn chặn nạn buôn bán không bền vững và trái phép các loài này cũng như hỗ trợ cho công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và những nỗ lực tiếp theo trong việc quản lý nguồn dược liệu sử dụng trong y học cổ truyền.
TS. Naomi Doak, Trưởng Đại diện TRAFFIC Đông Nam Á– Chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng nhận xét: Thông điệp đến từ cộng đồng y học cổ truyền Việt Nam rõ ràng có vai trò quan trọng nhằm khuyến khích giảm thiểu việc sử dụng nguồn dược liệu từ động, thực vật hoang dã đang bị đe dọa ví dụ như là sừng tê giác,
Những hoạt động tiếp theo trong Biên bản ghi nhớ hợp tác bao gồm các hội thảo tập huấn cho các thầy thuốc và người hành nghề y học cổ truyền về các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến việc sử dụng nguồn dược liệu từ động, thực vật hoang dã và thảo luận những cách thức để lưu hành thông tin về những văn bản pháp luật này rộng rãi hơn, cũng như phát triển một thông tư nhằm ngăn chặn việc sử dụng dược liệu có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã buôn bán trái phép.
Biên bản ghi nhớ hợp tác bao gồm việc phát triển giáo trình giảng dạy cho sinh viên, những thầy thuốc và người hành nghề y học cổ truyền trong tương lai. Giáo trình giảng dạy sẽ được sử dụng tại các học viện/đại học y học cổ truyền công và tư, bao gồm các vấn đề về bảo tồn và quy định về quản lý động, thực vật hoang dã. Giáo trình nhằm khuyến khích sinh viên tư duy về những giải pháp mà y học cổ truyền có thể đóng góp vào việc quản lý nguồn dược liệu từ động thực vật hoang dã, cũng như bảo vệ các loài đang bị đe dọa, bao gồm tê giác.
Cục Quản lý Y dược Cổ truyền và TRAFFIC cũng hướng tới việc kêu gọi các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam chấm dứt việc sử dụng dược liệu từ các sản phẩm động, thực vật hoang dã buôn bán trái phép. Thông qua các sự kiện kết nối, Cục Quản lý Y dược Cổ truyền và TRAFFIC sẽ tiếp cận lãnh đạo của các doanh nghiệp dược nhằm nâng cao nhận thức đối với việc sử dụng nguồn dược liệu từ các loài động, thực vật đang bị đe dọa trong y dược và khuyến khích các doanh nghiệp thể hiện cam kết ủng hộ đối với chương trình.
PV