|
Du khách quốc tế chèo thuyền kayak tham quan làng chài Vung Viêng |
Dự án Thu gom rác thải tại làng chài Vung Viêng - một trong bốn làng chài thuộc phường Hùng Thắng, TP. Hạ Long được thực hiện từ tháng 3 - 12/2008. Giám đốc Công ty cổ phần Du thuyền Đông Dương Đoàn Văn Dũng - Chủ nhiệm Dự án cho biết: ngay từ khi khởi động, Dự án đã có sự phối hợp với hợp tác xã làng chài và chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền ngư dân làng chài, đặc biệt là học sinh nhận biết về giá trị của vịnh Hạ Long; trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn giá trị của Vịnh, từ đó nâng cao ý thức trong việc thu gom rác thải, bảo vệ các sản vật trên Vịnh, xây dựng làng chài thành điểm du lịch. Dự án đã đưa tiêu chí thu gom rác thải, không vứt rác xuống biển, xây dựng làng chài sạch đẹp vào tiêu chí đánh giá, bình bầu gia đình văn hóa; xây dựng nhà cộng đồng để bà con ngư dân có chỗ sinh hoạt, vui chơi; trang bị dụng cụ vớt rác, đựng rác cho xã viên, vận động ngư dân dành một ngày hàng tháng tổ chức tổng vệ sinh làng chài; trả lương cho 2 lao động chuyên thu gom rác tại làng chài… Đến nay, lượng rác thu gom và đưa đi xử lý đã đạt 5 - 6 tạ/ngày, môi trường làng chài Vung Viêng trở lên sạch đẹp hơn, ý thức bảo vệ môi trường của bà con ngư dân được nâng cao rõ rệt. Nhờ có môi trường xanh - sạch - đẹp mà lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan Vung Viêng ngày một nhiều, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho cư dân làng chài trên Vịnh.
Từ thành công của dự án làng chài Vung Viêng, năm 2009, Chương trình Vì một Hạ Long xanh tiếp tục triển khai mô hình sang khu vực làng chài Cống Đầm. Ngoài việc triển khai thu gom và xử lý rác, dự án Thu gom rác thải tại làng chài Cống Đầm sẽ thực hiện chương trình trồng rừng ngập mặn tạo thêm cảnh quan, hệ sinh thái đa dạng đưa vào phục vụ du khách.
Điểm khác biệt của Chương trình Vì một Hạ Long xanh so với các hoạt động bảo vệ môi trường du lịch và môi trường nói chung là chưa có sự hỗ trợ về mặt tài chính từ các cơ quan quản lý. Đến nay, toàn bộ chi phí để thực hiện Chương trình đều từ sự tự nguyện của các doanh nghiệp lữ hành. Tuy nhiên, theo Giám đốc Công ty Du lịch Dấu chân (Foot Print Travel) Nguyễn Ngọc Thành - một trong những doanh nghiệp tài trợ cho Chương trình, tuy kinh phí là điều quan trọng để có thể triển khai các hoạt động nhưng đó chưa phải là điều quyết định cho sự thành công của Dự án. Chúng tôi sẵn sàng trích một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh cho công tác bảo vệ môi trường nhưng nó phải được sử dụng hiệu quả, môi trường phải được cải thiện để du khách đến tham quan hài lòng và thực sự đem lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng địa phương.
Có thể nói, sự thành công của Chương trình Vì một Hạ Long xanh là do có sự hợp tác hiệu quả từ ngư dân làng chài, bởi họ đã nhận thức được việc bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của họ; quan trọng hơn là sự quyết tâm của những doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường để vịnh Hạ Long ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn. Việc huy động tổng hợp nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng với cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch là mô hình cần được nhân rộng trong bối cảnh hiện nay.
Hải Dương