Chuẩn bị các biện pháp ứng phó nhằm giành thế chủ động, kiểm soát tốt dịch COVID-19
Đề xuất thành lập quỹ vaccine tiêm chủng trên diện rộng
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, ngày 19/5, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả… bên cạnh ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo đó, dựa trên dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Bộ Y tế để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, Bộ Tài chính ước tính kinh phí phải sử dụng là khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng; còn lại là kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng (khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng). Cũng theo tính toán của Bộ Y tế thì nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.
Trong trường hợp dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí mua vaccine sẽ lớn, Bộ Tài chính xác định, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Do đó, Bộ Tài chính cho biết, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine nhằm triển khai tiêm chủng trên diện rộng. Việc này cũng nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác khi mua vaccine phòng COVID-19.
Bộ Tài chính còn cho biết, dự kiến Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng. Quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước.
Quỹ vaccine sẽ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
TP. Hồ Chí Minh xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống dịch bùng phát trong cộng đồng
Nhằm chủ động ứng phó dịch COVID-19 với hiệu quả cao nhất, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia và TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vừa trình lên Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố 3 phương án ứng phó tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, khi dịch được kiểm soát tốt (tình huống 1): số ca nhiễm dao động dưới 100 (tối đa 20 giường hồi sức) thì những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ và F1 có triệu chứng sẽ được cách ly điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Cần Giờ, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Các trường hợp nặng sẽ chuyển về các khoa, đơn vị hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố và Nhi Đồng 2. Với tình huống này, TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị 970 giường, 42 giường hồi sức, 39 giường đặt trong buồng áp lực âm và 42 máy thở tại các bệnh viện: Chợ Rẫy, Dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Nhi Đồng Thành phố; Bệnh Nhiệt đới Thành phố.
Khi dịch bùng phát trong cộng đồng nhưng còn trong tầm kiểm soát, số ca bệnh từ 100 - 1.000 người (tình huống 2): ngoài các bệnh viện trên, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và chuyển đổi thêm giường bệnh ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố với tổng công suất 1.944 giường, 200 giường hồi sức, 66 giường đặt trong buồng áp lực âm và 200 máy thở.
Tình huống nghiêm trọng nhất là tình huống dịch bùng phát trong cộng đồng, số ca bệnh dao động từ 1.000 - 5.000 người (tối đa 1.000 giường hồi sức): Những trường hợp nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến hình thành từ các cơ sở không thuộc hệ thống y tế. Những ca bệnh nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 như nêu trên và tăng cường các bệnh viện dã chiến ở Nhà Thi đấu Phú Thọ (quận 11), Nhà Triển lãm quận 7, nhà văn hoá thể thao các quận với tổng công suất 5.000 giường, 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực tâm và 1.000 máy thở.
Ngoài ra, Sở Y tế lên kế hoạch bố trí, chuẩn bị cho các công tác xét nghiệm; chuẩn bị cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực cho các tình huống.
TP. Bắc Giang giãn cách xã hội
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định giãn cách xã hội đối với toàn TP. Bắc Giang kể từ 15h chiều 19/5 theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Biện pháp này được đưa ra nhằm ứng phó với tình hình diễn biến dịch tại tỉnh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 tại địa phương nhiều nhất cả nước; tại thành phố xuất hiệnnhiều ca dương tính với SARS -CoV-2, đồng thời có một số trường hợp chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Theo đó, TP. Bắc Giang sẽ dừng hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người một phòng; không tụ tập quá 10 người nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2m; dừng triệt để nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí nơi công cộng. Dịch vụ không thiết yếu tạm đóng cửa. Đồng thời, người dân được khuyến cáo hạn chế di chuyển từ nơi này đến nơi khác.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang cho biết: hiện trên địa bàn tỉnh có 3 ổ dịch với hơn 600 trường hợp F0.
Ngọc An
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ