Về đồng bằng sông Cửu Long thăm chợ nổi
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi cuối dòng chảy của sông Mê Kông, với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Từ xa xưa, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, đường thủy đã đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển của cư dân. Yếu tố địa văn hóa vùng đất này tác động đến hình thái cư trú, sinh sống dọc theo các con sông và kênh rạch, thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu, buôn bán. Ngày nay, khi giao thông đường bộ đã phát triển, hệ thống giao thông đường thủy vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống mưu sinh của cư dân vùng sông nước.
Trong công trình “Văn hóa người Việt ở miền Tây Nam Bộ”, do GS. Trần Ngọc Thêm chủ nhiệm có đoạn viết: “Môi trường tự nhiên, xã hội đặc thù của Tây Nam Bộ đã sản sinh ra nghề thương hồ và cũng chính nghề thương hồ sản sinh ra chợ nổi – một sản phẩm văn hóa kinh doanh độc đáo của Tây Nam Bộ… Chợ nổi là chợ mà mọi hoạt động, di chuyển và giao dịch mua bán đều diễn ra trên mặt sông với phương tiện là các ghe xuồng”. Tác giả Đặng Thị Hạnh cho rằng: chính sản lượng cây ăn trái, hoa màu ở ĐBSCL phong phú, có quanh năm, đã dẫn đến nhu cầu trao đổi, mua bán giữa nhà vườn, thương lái và thị trường. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc mua bán ngay trên mặt sông. Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các chợ nổi đều nằm gần các vườn cây ăn trái lớn, như một quy luật tất yếu của cung - cầu”.
Chợ nổi thường xuất hiện ở những đầu mối giao thông chính - là những con sông lớn cắt nhau tạo thành các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã bảy - nơi ghe xuồng có thể tụ họp về một cách thuận lợi nhất. Đoạn sông ở khu vực này phải rộng để thuyền bè đi lại dễ dàng, sông không được sâu quá, khó neo đậu và nguy hiểm, nhưng sông cũng không được cạn quá, nước ròng xuống ghe thuyền không di chuyển được. Bên cạnh đó, địa điểm họp chợ lý tưởng là nơi giáp nước (nơi nước lớn và nước ròng gặp nhau) sẽ dễ dàng di chuyển và neo đậu ghe thuyền. Những địa điểm này ở khu vực trên bờ cũng hình thành các thị tứ, thị trấn, dân cư đông đúc.
Chợ nổi là nơi tập trung cư dân thương hồ đến từ khắp các tỉnh ĐBSCL, cũng có một số ghe xuồng ở các tỉnh ngoài hoặc ghe bầu gom hàng đưa lên thành phố, các tỉnh miền Đông, Campuchia... Những chủ ghe có mối quan hệ gia đình, dòng họ hoặc cùng quê, buôn bán những mặt hàng cùng loại, họ thường kết các ghe lại với nhau thành những chiếc bè lớn, thuận lợi cho việc sinh hoạt và mua bán trên sông nước. Đời thương hồ lênh đênh trên sông nước, cuộc sống sinh hoạt gia đình, làm ăn buôn bán của họ gắn liền với chiếc ghe. Hình thức truyền nghề của cư dân thương hồ hầu hết theo dạng "cha truyền con nối". Các chủ ghe tập trung neo đậu gần nhau, buôn bán cùng loại mặt hàng thường có mối quan hệ thân tộc với nhau.
Phần đông các chợ nổi ở ĐBSCL là chợ bán sỉ, tuy nhiên khi thuận lợi, họ cũng bán lẻ. Thời gian bán lẻ phải sau 10 giờ sáng. Lúc này, khách mua sỉ đã vãn, họ có thời gian để bán. Vả lại, họ không bán lẻ vào buổi sáng khi chưa bán sỉ, theo quan niệm của họ, bán lẻ vào buổi sáng sớm sẽ gặp xui xẻo.
Ngoài các chủ ghe là những người buôn bán ở trên chợ nổi, chợ nổi Cái Bè còn có sự góp mặt của các chủ vựa, chủ vườn, thương lái (đối tượng trung gian giữa nhà vựa và nhà vườn; đôi khi thương lái cũng là chủ ghe) và các đối tượng khác (chủ yếu phục vụ cho dịch vụ chợ nổi như bán hàng ăn, cà phê, trái cây phục vụ du lịch, lái tàu/lái đò thuê, sửa máy tàu, bốc xếp cho các nhà vựa…). Nhìn chung, các đối tượng phục vụ cho hoạt động ở chợ nổi đa dạng, số lượng tăng giảm tuỳ theo mùa vụ. Vào những tháng không phải mùa vụ trái cây, rau củ... các đối tượng này chuyển sang nghề khác như chạy xe ôm, đan lát, sấy nhãn, lột long nhãn, phục vụ du lịch và các nghề thủ công gia đình khác.
Vào những ngày tết, ghe xuồng đến chợ nổi neo đậu buôn bán đông gấp 3 lần so với ngày thường. Hoạt động của chợ nổi đông đúc, nhộn nhịp nhất vào buổi sáng từ 5 - 10 giờ. Các ghe xuồng từ miệt dưới lên đây bỏ hàng, ghe từ miệt ngoài đến ăn hàng, các ghe khác đến lấy hàng bỏ mối các chợ.... Buổi tối, chỉ còn những ghe còn hàng chưa bán hết neo đậu chờ đến sáng để bán.
Các giao dịch của cư dân ở chợ nổi chủ yếu bằng niềm tin, hoạt động mua bán dựa trên mối bạn hàng, không có hợp đồng, không có tính pháp lý nhưng các giao dịch vẫn thành công với khối lượng lớn. Tuy nhiên, nếu xảy ra một giao dịch bị hỏng (do bị lường gạt, giựt nợ...) thì rất dễ xảy ra hiệu ứng dây chuyền.

Cần quan tâm đầu tư cho chợ nổi Cái Bè
Chợ nổi Cái Bè là một trong những chợ nổi tiêu biểu nhất ở ĐBSCL. Đến đây, du khách sẽ được nhìn thấy cảnh ghe, thuyền đi lại như mắc cửi. Chợ có quy mô lớn, họp suốt ngày, hàng hóa rất đa dạng và phong phú. Được coi là chợ nổi lâu đời nhất ở miền Tây Nam Bộ, trải qua thời gian, chợ trở thành nơi mưu sinh của nhiều phận người. Đó là những chủ ghe bán hàng trên sông, chủ vựa, chủ nhà vườn... Họ đã sống và gắn bó cùng với lịch sử thăng trầm của chợ nổi. Trong các loại hình sinh hoạt đời thường của người dân, chợ nổi không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân vùng sông nước.
Hàng chục năm qua, chợ nổi Cái Bè là chợ đầu mối trung chuyển trái cây lớn nhất khu vực ĐBSCL đi các tỉnh ngoài. Từ khi phát triển hệ thống đường bộ ở khu vực ĐBSCL như mở rộng quốc lộ 1, phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn, xây cầu..., cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, chợ nổi Cái Bè không còn đóng vai trò độc tôn trong việc trao đổi hàng hóa.
Sự hình thành, hưng thịnh và suy yếu của chợ nổi Cái Bè mang tính thời cuộc, do nó hình thành tự nhu cầu vận chuyển, giao dịch hàng hóa, chính vì thế khi các chức năng ấy thay đổi, diện mạo chợ nổi Cái Bè cũng thay đổi theo hướng thu hẹp dần phạm vi và tính chất.

Trải qua sự thăng trầm của lịch sử, dường như chỉ có dân thương hồ đường xa vẫn trung thành bám trụ với chợ nổi, có điều cuộc sống của họ dần khó khăn hơn. Đã qua rồi cái thời người dân thương hồ nghêu ngao câu: “Đạo nào vui bằng đạo đi buôn - Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông”. Diện mạo và xu hướng thay đổi của chợ nổi Cái Bè hôm nay rất có thể sẽ là mô hình nhìn thấy trước của chợ nổi Cái Răng hay chợ nổi Phụng Hiệp, khi mà hệ thống đường bộ đã rất phát triển, công nghệ thông tin đã rất hoàn thiện. Lực lượng còn ở lại chợ suy cho cùng vẫn là lớp dân thương hồ với xu hướng ngày một nhiều thêm do lượng đất canh tác ngày càng ít đi, dân số ngày càng nhiều.
Sự xuất hiện của chợ nổi Cái Bè đó là sự lựa chọn hợp lý của cư dân miền sông nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, di chuyển bằng ghe xuồng không còn chiếm vị trí độc tôn nữa. Mạng lưới giao thông đường bộ phát triển, việc di chuyển của người dân thuận lợi hơn. Người dân có quyền lựa chọn cuộc sống của mình theo thuyết lựa chọn hợp lý, tối ưu hóa cho cuộc sống. Chợ nổi Cái Bè nếu không có sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, nó sẽ mất đi như đã từng xuất hiện.
NGƯT.TS. Đỗ Ngọc Anh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)