Chợ Bến Thành 100 tuổi (2014). Ảnh: Kim Thanh
Chứng nhân lịch sử
Ngày trước, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định, bến này là nơi hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Thời kỳ đầu, chợ Bến Thành được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Khoảng giữa năm 1911, chợ trở nên cũ kỹ và có thể bị sụp đổ. Một địa điểm mới được lựa chọn để xây cất khu chợ mới lớn hơn, đáp ứng nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển, nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là bến xe Sài Gòn), chính là vị trí chợ Bến Thành ngày nay. Ngôi chợ mới được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn tất. Lễ khánh thành chợ 100 năm trước được báo chí thời đó gọi là “Tân Vương Hội” bởi lễ diễn ra trong ba ngày 28-30/3/1914 với pháo bông, xe hoa và hơn 100.000 người tham dự.
Từ khi thành lập đến nay, chợ có nhiều tên gọi khác nhau như chợ cũ, chợ mới Bến Thành, chợ mới Sài Gòn và hiện nay là chợ Bến Thành. Qua 100 năm, chợ Bến Thành là chứng nhân cho nhiều sự kiện lịch sử, cho sự đổi thay và phát triển của thành phố qua các thời kỳ. Từ những cuộc xuống đường với tinh thần nữ sinh Quách Thị Trang đến nay đã là biểu tượng gắn liền với hình ảnh ngôi chợ, đến những tháng ngày khi đất nước thống nhất. Nhiều sạp hàng trong chợ được truyền nối nhiều đời đến nay xấp xỉ trăm năm.
Chợ Bến Thành năm 1921 (ảnh tư liệu)
Năm 1985, chợ được sửa chữa, tuy nhiên cấu trúc cũ vẫn giữ nguyên, với ưu điểm của chợ là một kiến trúc mở phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Từ khi hình ảnh mặt tiền cửa Nam của chợ Bến Thành xuất hiện trên các postcard của người Pháp, trên tem bưu chính và trên nhiều ấn phẩm đại chúng, trong tâm trí người Sài Gòn và người dân cả nước gần như mặc định chợ Bến Thành là một biểu tượng cho thành phố này.
Cho đến nay, chợ Bến Thành không chỉ được xem là một di sản kiến trúc không thể thay thế với các hoạt động buôn bán sầm uất mà còn là biểu tượng văn hóa có giá trị tinh thần lớn không chỉ của TP. Hồ Chí Minh mà của cả miền Nam.
Địa chỉ du lịch thú vị
Trên diện tích 13.056m2, chợ Bến Thành có bốn cửa chính là Đông, Tây, Nam, Bắc và 12 cửa phụ xen kẽ xung quanh, trên các cửa chính có các bức phù điêu thể hiện các nông sản được bán trong chợ. Các sạp trong chợ kinh doanh quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, trái cây, hoa tươi... Đi một vòng quanh chợ, ngoài mua sắm những đồ thiết yếu, du khách sẽ thấy thú vị khi chọn những món đồ kỷ niệm hay hàng thủ công mỹ nghệ nhỏ xinh về làm quà, hay trải nghiệm khám phá đời sống của người dân nơi đây.
Sạp hàng nhiều màu sắc trong chợ Bến Thành. Ảnh: TL
Theo ước tính, trung bình mỗi ngày chợ Bến Thành đón 15.000 lượt khách. Đa số khách đến với chợ Bến Thành là người nước ngoài đến mua quà lưu niệm hoặc thưởng thức món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Ban đêm, chợ Bến Thành là một địa chỉ ẩm thực thú vị với nhiều món ăn hấp dẫn, độc đáo. Tờ USA Today từng xếp hạng chợ Bến Thành đứng thứ 15 trong tổng số 45 ngôi chợ có ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới. Cuối tháng 1/2012, tạp chí ẩm thực Food and Wine chọn chợ Bến Thành là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh. Ngoài ra, trang web du lịch nổi tiếng thế giới Tripadvisor cũng đánh giá chợ Bến Thành là một trong những nơi thú vị nhất tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, Ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết sẽ chính thức ra mắt website nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, thông tin các mặt hàng, gian hàng tại chợ, giúp khách hàng tra cứu thông tin, giá cả sản phẩm chính xác và nhanh nhất, có thể mua bán trực tuyến và hỗ trợ công tác quản lý trật tự kinh doanh tại chợ. Bên cạnh đó, tiến tới phủ sóng wifi toàn khu chợ. Đây xem như là bước đổi mới của chợ Bến Thành phù hợp với xu thế hội nhập, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của người dân và du khách.
PV