Olympic lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và thành phố đăng cai đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã không cho phép khán giả nước ngoài tới nước này để cổ vũ cho các VĐV, trong khi các nhà tổ chức cũng không cho phép khán giả trong nước vào các địa điểm thi đấu ở 8 trong số 10 tỉnh, thành trong đó có Tokyo. Tại lễ khai mạc, Ban Tổ chức đề nghị các đoàn thể thao chỉ cử 50%-60% thành viên tham dự để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu có. Đoàn Thể thao Việt Nam có 24/43 người tham dự bao gồm 18 VĐV và 6 cán bộ.
Khẩu hiệu của phong trào Olympic là “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn” (tiếng Anh: Faster - Higher - Stronger). Tại Olympic Tokyo 2020 được bổ sung từ “Together” (cùng nhau) để thành: “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn - Cùng nhau”. Khẩu hiệu ngoài việc vận động viên các VĐV thi đấu hết sức mình để lập những kỷ lục mới còn muốn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết trong bối cảnh toàn thế giới đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19.
Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 kéo dài hơn 3 tiếng rưỡi, không có những tiết mục quá hoành tráng. Thay vào đó là sự đơn giản và truyền được đầy đủ ý nghĩa của kỳ Olympic khó khăn bậc nhất lịch sử. Ban Tổ chức dành một bài trình diễn dài khoảng năm phút để mở đầu lễ khai mạc. Màn trình diễn mô phỏng cảnh một VĐV đánh mất động lực trong lúc tập luyện rồi sau đó tìm lại nó nhờ động lực từ bên trong. Không khí cổ trang xuất hiện khi một tiết mục được Ban Tổ chức dàn dựng với sự tham gia của hàng chục nghệ sĩ trong trang phục của những thợ mộc. Họ dựng nên những võ đài rồi di chuyển chúng trước khi kéo cao biểu tượng Olympic bằng gỗ. Komari Uttar, một bản nhạc Nhật Bản, được cất lên cùng màn biểu diễn của nghệ sĩ múa Kazunori Kumagai. Cùng với những chiếc đèn lồng, màn trình diễn gợi nhớ Olympic 1964 - thế vận hội đầu tiên Nhật Bản tổ chức. Một đoạn video vinh danh nhà hoạt động xã hội Muhammad Yunus với những đóng góp ông dành cho VĐV và Olympic. Yunus được trao Cup Olympic Lauren bởi những cống hiến của ông.
Hơn 30 phút sau khi buổi lễ bắt đầu, các đoàn VĐV đã tiến vào sân diễu hành. Đi đầu là đoàn Thể thao Hy Lạp, đoàn Việt Nam xuất hiện thứ 159 với hai VĐV được vinh dự cầm cờ là Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) và Quách Thị Lan (điền kinh). Ba đoàn đi diễu hành cuối lần lượt là Mỹ, Pháp (chủ nhà Olympic 2024) và chủ nhà Nhật Bản. Tiếp nối chương trình, các VĐV Nhật Bản đại diện cho các VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 tuyên thệ. Sau nghi thức diễu hành, một màn trình diễn quy mô lớn được thực hiện. Kết thúc màn trình diễn, thông điệp của Olympic: "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, cùng nhau" được chiếu trên mặt sân vận động.
Sau đó, chủ tịch Olympic Tokyo 2020 bà Seiko Hashimoto phát biểu. Trong bài phát biểu, bà Seiko Hashimoto truyền tải thông điệp gắn kết mọi người. Bà cảm ơn tất cả mọi người đã hỗ trợ để Olympic Tokyo 2020 có thể diễn ra bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bà Seiko cũng nói về mục tiêu của Olympic, đó là hòa bình và sự gắn kết lẫn nhau.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch IOC, ông Thomas Bach đã cảm ơn người dân Nhật Bản, Ban Tổ chức đã mang đến Olympic Tokyo 2020 sự nỗ lực và những điều tốt đẹp. Ông Bach nói về khó khăn do dịch COVID-19 gây ra và truyền tải thông điệp “đừng bao giờ bỏ cuộc”. Ông Bach nhấn mạnh sự đoàn kết để vượt qua khó khăn.
Kết thúc phần diễu hành là phần tuyên bố khai mạc Olympic Tokyo 2020 của Nhật Hoàng Naruhito. Sau đó là lễ thượng cờ Olympic tại sân vận động quốc gia Nhật Bản. Nghi thức được chờ đợi nhất lễ khai mạc là thắp sáng đài đuốc diễn ra đơn giản và ý nghĩa. Người thắp sáng ngọn đuốc Olympic Tokyo 2020 tại sân vận động quốc gia Nhật Bản là tay vợt Naomi Osaka. Ngọn đuốc Olympic 2020 sẽ cháy trong suốt thời gian diễn ra ngày hội. Màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời sân vận động quốc gia Nhật Bản khép lại lễ khai mạc và đánh dấu Olympic Tokyo 2020 chính thức bắt đầu.
Olympic Tokyo 2020 sẽ có 33 môn thể thao thi đấu với 339 nội dung, 339 bộ huy chương. Bên cạnh 5 môn thể thao mới sẽ được giới thiệu tại Tokyo, 15 nội dung thi đấu mới trong các môn thể thao hiện có cũng được lên kế hoạch, bao gồm Bóng rổ 3x3, BM tự do và sự trở lại của xe đạp Madison, cũng như các nội dung thi đấu hỗn hợp mới trong một số môn thể thao.
Lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ 20h đến 22h30 ngày 8/8/2021, rút ngắn 30 phút so với dự kiến do chương trình được đơn giản hóa và số lượng VĐV cũng sẽ giảm bớt. Lễ bế mạc cũng diễn ra trên sân vận động quốc gia Shinjuku.
Tuấn Hải