“Đánh thức” du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà
Tiềm năng du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà bắt đầu được “đánh thức” khi Chính phủ cho phép Đà Nẵng khai thác du lịch một số diện tích vùng chân bán đảo Sơn Trà từ độ cao 100m trở xuống.
Bán đảo Sơn Trà có 4.439ha rừng, đỉnh cao nhất là 696m, trong đó phần lớn là đất đồi, rừng nguyên sinh có 289 loại thực vật. Về động vật, đây là nơi quần cư của họ hàng nhà khỉ với hơn 400 con voọc và nhiều loại khỉ đuôi dài, ngoài ra còn có chồn, heo rừng, gà rừng… Cho đến nay, bán đảo Sơn Trà vẫn còn hoang sơ, bao quanh bán đảo là vòng cung bờ biển tuyệt đẹp với các bãi như Tiên Sa, Đá Đen, bãi Rạng, bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Đa, bãi Nam, bãi Bắc, bãi Con, bãi Trẹm. Chân núi ăn sâu ra biển đã hình thành nên các vùng biển có rạn san hô quý hiếm, đa dạng về chủng loại, với nhiều bãi tắm đẹp, thơ mộng trải dài hàng chục km, chạy dọc bãi biển. Đến nay, đã có một số khu nhà nghỉ, dịch vụ biển phục vụ khách du lịch tham quan và giải trí. Khí hậu khu du lịch bán đảo Sơn Trà tương đối mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 250C - 260C.
Theo thống kê của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, du khách đến với bán đảo Sơn Trà tăng đều qua các năm, năm 2013 là trên 280.000 lượt người, năm 2014 là gần 325.000 lượt người, chiếm tỷ lệ gần 8,5% du khách đến tham quan du lịch TP. Đà Nẵng. Điều này góp phần khẳng định chính sách phát triển du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà đã cơ bản được định hình và phù hợp hướng phát triển sản phẩm du lịch của thành phố.
Thời gian qua, hoạt động thu hút khách du lịch đến Sơn Trà đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là đầu tư quảng bá du lịch còn đơn điệu, chưa cụ thể, chưa khai thác hết tiềm năng hiện có đối với các nhà đầu tư; trang thông tin điện tử của Ban Quản lý khu du lịch bán đảo Sơn Trà chưa đem đến những thông tin cần thiết cho du khách, mới chỉ đơn thuần giới thiệu một số điểm đến...
Để thu hút du khách đến với bán đảo Sơn Trà
Trên cơ sở về lý thuyết marketing địa phương và thực trạng phát triển du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà, có thể đưa ra một số gợi ý xây dựng chiến lược marketing địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với bán đảo Sơn Trà như sau:
Một là, chiến lược marketing hình tượng địa phương (là tổng hợp những niềm tin, ý tưởng và ấn tượng về một địa phương). Đây là bước đầu trong việc tuyên truyền cho các đối tượng mục tiêu về hình ảnh của bán đảo Sơn Trà, là một điểm đến lý tưởng để du lịch, nghỉ ngơi, khám phá. Để tạo được ấn tượng về bán đảo Sơn Trà với du khách, cần xây dựng hình tượng địa phương thật hấp dẫn và độc đáo.
Hai là, chiến lược marketing đặc trưng của địa phương (là những điểm nổi bật của địa phương có giá trị thu hút khách cao). Bán đảo Sơn Trà được coi là một viên ngọc quý thiên nhiên ban tặng cho TP. Đà Nẵng, nơi đây hội tụ cảnh đẹp của núi, rừng và biển; được mệnh danh là lá phổi xanh của thành phố, là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia với nhiều động thực vật phong phú… Ngoài ra, cần xây dựng và quảng bá một số sản phẩm du lịch đặc trưng của khu du lịch bán đảo Sơn Trà như: đồi vọng cảnh, đỉnh Bàn Cờ, Bách niên đại thụ, Linh Ứng tự; lặn ngắm san hô…
Thứ ba, xây dựng chiến lược marketing cơ sở hạ tầng. Hiện nay, khu du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà khai thác yếu tố thiên nhiên mà chưa có một quy hoạch tương xứng với những gì mà bán đảo Sơn Trà đang có. Vì vậy cần thiết phải có lộ trình rà soát lại quy hoạch để bán đáo Sơn Trà trong những năm tới, sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của du khách khi đến với TP. Đà Nẵng.
Bốn là, cần có chiến lược marketing con người. Tiềm năng du lịch của bán đảo Sơn Trà còn được tạo nên bởi hình ảnh của người dân thân thiện, mến khách, chân tình như đến với “Đà Nẵng tình người”. Do đó, cần phải tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân TP. Đà Nẵng về thái độ và cách ứng xử có văn hóa đối với du khách.
Du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà cần tập trung khai thác du khách trong nước từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khách du lịch nước ngoài đến từ các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc với nhiều hình thức: roadshow, tháng khuyến mãi kích cầu du lịch; liên kết với Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế xúc tiến quảng bá du lịch với chủ đề “Ba địa phương – Một điểm đến”; tổ chức tốt hơn nữa công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà thông qua chuyên mục, phóng sự, dự báo thời tiết du lịch được phát sóng trên các đài truyền hình Trung ương, địa phương, trên các ấn phẩm du lịch…
Để du lịch của bán đảo Sơn Trà phát triển bền vững, tạo ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước, cần phải nhận thức đầy đủ về vai trò của marketing địa phương. Đặc biệt cần có sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng hơn nữa, sự bắt tay vào cuộc từ các cấp chính quyền, chú trọng đến phát triển du lịch có tính chiều sâu, chuyên nghiệp và hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch, huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng dân cư…
Marketing địa phương là những hành động có chủ đích của chính quyền và con người thuộc về địa phương đó tác động lên các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp (gọi chung là khách hàng) bằng cách tạo ra những sản phẩm địa phương có giá trị nhằm thu hút sự chú ý và tiêu dùng của họ. Bản chất của marketing địa phương là các hoạt động của chủ thể địa phương tác động lên đối tượng khách hàng mục tiêu. Đó chính là những chương trình, công cụ marketing mà mỗi địa phương sử dụng nhằm chủ động tạo ra những sản phẩm lãnh thổ có giá trị để thu hút sự chú ý và tiêu dùng của khách hàng. |
Tài liệu tham khảo:
1. PGS. TS. Nguyễn Đức Hải (2011), Marketing place, NXB ĐHKTQD;
2. GS. TS Hồ Đức Hùng (2005), Marketing địa phương, NXB Văn hóa Sài Gòn.
ThS. Tống Phước Phong - ThS. Nguyễn Vịnh
(Tạp chí Du lịch