(Tạp chí Du lịch) - Cuộc sống của người Ê Đê, M’Nông cũng như phần lớn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - Trường Sơn luôn gắn bó với chiếc gùi. Một nải chuối, bó rau, cân ngô, quả bí... đều được bà con gùi đến chợ. Chợ đông người, nụ cười các chị, các mẹ rạng rỡ trên môi, nhịp gùi đong đưa nhìn sao mà thân thương quá. không biết bao nhiêu lần tôi đã nhìn theo chiếc gùi đến chợ mỗi dịp tết đến, xuân về.
Chiếc gùi của đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông, Ê đê… đến chợ vào mỗi dịp xuân tết bao giờ cũng đi kèm với thực phẩm mà họ trồng trọt hoặc chăn nuôi được. Có khi chỉ là mấy bó rau lang tươi nõn nà, cọng lang dường như đang vươn lên từ trong lòng gùi để đón ngọn gió xuân thổi về mát lạnh. Có lúc là tiếng con gà cục tác trong chiếc gùi xuân, đạp đạp đôi chân vào thành gùi tạo ra những âm thanh sột soạt, nghe vui rộn ràng hòa cùng tiếng cười yêu đời, thân thiện của các mẹ, các chị. Những lúc như thế, tôi thường đứng ngây người nhìn theo, muốn nói một lời thương mến nhưng sao không thể thốt nên lời. Hóa ra, điều gì làm ta cảm động, muốn nghĩ ngợi miên man trong sâu thẳm tâm hồn lại thật khó biểu đạt bằng lời.
Thường bán xong những thực phẩm mang từ nhà đến chợ, chiếc gùi lại nhấp nhô theo nhịp chân về qua những con đường xôn xao nắng gió, rực rỡ màu hoa dã qùy bung nở vào tiết cuối đông đầu xuân. Mấy cân gạo, một ít mắm muối, cá thịt... theo các chị, các mẹ về với buôn làng trong niềm vui ấm áp của mùa xuân đang dần về gõ cửa. Đôi khi tôi lặng nhìn theo những bàn chân vội vã lúc trời nhá nhem tối mà lòng bâng khuâng, đồng cảm. Có những người phụ nữ quen đi chân trần, vậy mà cứ thoăn thoắt khi gùi thực phẩm đến chợ trao đổi bán mua, xong rồi lại vẫn đôi chân trần ấy thoăn thoắt mang chiếc gùi trên lưng tất tả về nhà khi chiều sắp tắt. Tôi thầm nghĩ, biết đâu trong sự náo nhiệt của buổi chợ xuân, chợ tết, vẫn còn nhiều chiếc gùi thiếu hụt mớ cá, mớ tôm, tằn tiện lắm mới đủ trao đổi sắm sanh cho chồng, cho con chiếc áo mới, gói trà thơm trong ba ngày tết.
Thời gian mãi luôn vần xoay không bao giờ dừng lại. Sau tiết trời mùa đông lạnh lẽo, bước chân nàng xuân ấm áp, bình yên lại đến với mọi người, mọi nhà. Trước sự vô cùng của mùa xuân trời đất, mỗi khi ngồi nhìn chiếc gùi đến chợ, tôi lại thầm ước một cuộc sống đủ đầy sẽ đến với mọi người dân nơi đây, nhất là đồng bào các dân tộc bản địa mà tôi từng gần gũi, dạy dỗ con họ học tập suốt mấy mươi năm qua. Nhìn chiếc gùi mùa xuân đầy ắp thực phẩm bán mua đi về sáng tối, tôi lại nhớ đến nhà thơ Nguyễn Trãi từng có ước mơ hồn hậu cho muôn dân khi đi qua chợ cá lao xao ở làng ngư phủ năm nào: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Cảnh ngày hè)…
LÊ THÀNH VĂN