Càng đi tôi càng thấy biết ơn anh bạn già ở Hà Nội. Bởi trước khi đi, anh bảo tôi cố mua lấy cái ống kính “mắt cá” thì mới chụp nổi sự kỳ vĩ đặc trưng của châu Âu. Đó là nơi đông đúc nhất, hoa lệ, có bề dày phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật cao nhất địa cầu. Ống kính “mắt cá” (fisheye, dành cho máy ảnh) có hình dáng lồi như mắt con cá, giúp người chụp thâu nhận được một góc ảnh rộng mênh mông. “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”, với các lâu đài, thành quách, các kỳ quan chất ngất nhất chỉ trong một lần “bấm”. Cứ mỗi lần bấm máy, dù là gã du lịch bụi chơi ảnh không chuyên nhất, tôi cũng thấy hài lòng khe khẽ, rồi mỉm cười nghĩ: mình đã nhìn châu lục vốn được vinh danh là “văn minh và đông đúc nhất thế giới” này bằng con mắt cá.
Nếu không có cái “mắt cá” nhìn cong veo, rộng hoác, tưởng như luôn dang tay ôm trùm lấy vạn vật ấy, quả thật, các loại máy ảnh tôi và bạn bè tôi mang theo đều “bó tay” với các công trình vĩ đại của châu Âu. Bảo tàng Louver (Pháp) đi 3 tháng mới xem hết, bảo tàng Vatican (Italia) hội tụ dường như tri thức, kinh nghiệm và sáng tạo của cả quả đất luôn náo nức người, không muốn đi cũng buộc phải di chuyển. Tôi phải chen chúc xếp hàng cả ngày mới lên đến tầng hai tháp Eiffel để nhìn Paris một cách vội vã rồi nhanh chóng nhường chỗ cho người khác. Mô hình nguyên tử nổi tiếng ở Bỉ, hay quảng trường lớn nhất châu Âu ở Brussels; rồi Roma với Đấu trường La Mã, vùng Venice huyền thoại, đỉnh núi Thiên thần ở Thụy Sỹ, lễ hội hoa tuy líp ở Hà Lan, chỗ nào cũng đông đến nghẹt thở. Đừng mong có một phút nào loay hoay tìm góc chụp cho nắn nót. Đừng mong “phục kích” chờ người khác thôi đi như mắc cửi trước mặt mình mà chụp được Nhà thờ Đức Bà hoặc bất kỳ chỗ đông đúc nào kiểu như các trần nhà với các bức tranh tuyệt kỹ của các danh họa bất hủ trong mọi thời đại ở bảo tàng Vatican, bảo tàng Louver... Chỉ có thể là ống kính mắt cá. Dù đứng sát chân tháp nghiêng Pisa kỳ vĩ, dù ở chân đấu trường La Mã khổng lồ, giơ lên là bấm được. Một khuôn hình ôm trọn cảnh quan.
Có nhiều người không thích fisheye, bởi cảnh vật đôi lúc bị cong méo không giống ngoài đời thật, không giống cái nhìn thường thức của con người. Không sao! Mà tại sao người ta cứ muốn cá phải giống người thế nhỉ?
Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)