“Tôi may mắn được đến nước Nga từ năm 18 tuổi. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, tình yêu với nước Nga lớn dần và ngấm vào máu thịt. Tôi có thể nói rằng, tôi yêu nước Nga nhiều. Nhiều lắm. Cảm ơn nước Nga vì tất cả”, Dự bắt đầu câu chuyện bằng những hồi ức về xứ sở bạch dương, những kiến thức quý giá và những trải nghiệm phong phú mà nước Nga đã cho anh.
Năm 2006, Dự rời Việt Nam để bắt đầu chương trình tiếng Nga dự bị. Lớp học duy nhất chỉ có Dự là người Việt. Bước vào một môi trường hoàn toàn mới, sự khác biệt về văn hóa và trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ khiến cho Dự không khỏi mặc cảm. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm học tiếng với sự chỉ bảo tận tình của giáo viên bản địa, Dự đã vượt lên và bắt nhịp với chương trình đào tạo của trường. Không chỉ đạt điểm cao tuyệt đối trong kỳ thi tốt nghiệp chứng chỉ tiếng Nga phổ thông, Dự còn đạt điểm học bổng toàn phần của chính phủ Nga tại Trường Đại học tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), chuyên ngành Báo chí khoa Ngôn ngữ. Đây là trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chuyên gia cho các nước đang phát triển với sinh viên, nghiên cứu sinh đến từ 146 quốc gia trên thế giới. Trường được mang tên Tổng thống châu Phi (do ông đã được đào tạo tại đây ngay từ khi trường mới thành lập).
Dự may mắn được theo học giáo viên hướng dẫn là Giáo sư Я.А. Ломко và Trưởng khoa Ngôn ngữ học А.Г.Коваленко là những người rất yêu Việt Nam và có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong những lần sang Việt Nam công tác. Chính GS Я.А. Ломко bằng kinh nghiệm xương máu của một phóng viên chiến trường, bằng nhiệt huyết của mình đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò ở các quốc gia theo đuổi đam mê và thành công với nghề báo. Cũng chính vị giáo sư khả kính này đã tiếp động lực cho Dự để anh theo học chuyên ngành thứ 2, ngành mà khi về nước sau này, anh đã quyết định chọn để khởi nghiệp…
Hàng năm, trường tổ chức hội chợ quy mô rất hoành tráng để giới thiệu văn hóa truyền thống, ẩm thực của các nước có sinh viên đang theo học. Số người Việt lúc đó học tại trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, riêng lớp của Dự chỉ có 3 người Việt, nên gặp khá nhiều khó khăn trong việc tổ chức, giới thiệu văn hóa Việt với bạn bè. “Tinh thần đoàn kết sẽ vượt qua tất cả” – lời động viên của GS Я.А. Ломко đã truyền lửa sang Dự và cộng sự. Anh cùng nhóm bạn đi “lùng” trong các khu chợ của người Việt tìm café, trà, tranh dân gian Đông Hồ, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan, nón lá… mang về trưng bày giới thiệu tại hội chợ. Một điều may mắn là thời điểm đó các mặt hàng này được người Việt Nam đưa sang Nga khá phong phú, vì thế gian hàng Việt Nam trở nên nổi bật nhờ sự đa dạng của các sản phẩm và phong cách bài trí độc đáo, ấn tượng; trở thành tâm điểm của hội chợ.
Sau thành công của hội chợ, đồ uống và các mặt hàng lưu niệm Việt Nam trở nên “hot” vì được sinh viên quốc tế ưa chuộng. Dự quyết định mở một “dịch vụ” nho nhỏ để đáp ứng nhu cầu của bạn bè, đồng thời, cũng là cách quảng bá rộng hơn các sản phẩm của người Việt Nam.
Bằng tất cả số tiền dành dụm được, Dự mua một chiếc xe ô tô Lada cũ. Thời đó, sở hữu ô tô được xem là ‘xa xỉ’, nhất là với sinh viên quốc tế như Dự. Tuy nhiên, anh không xem đó là niềm tự hào, mà chỉ coi là một phương tiện đi lại. “Dịch vụ vận chuyển sinh viên” của Dự không chỉ nổi tiếng trong trường, mà còn được nhiều hãng lữ hành của Nga hoặc người Việt Nam sang Nga biết tới. Dự trở thành “hướng dẫn viên” kiêm “lái xe” được khách hàng tín nhiệm bởi thông thạo đường xá, kiến thức cũng như sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Nga và điều quan trọng hơn cả là thái độ, phong cách phục vụ.
Lúc đó, thời gian học theo ca, từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều; có ca 3 giờ chiều đến 8 giờ tối. Dự sắp xếp thời gian hợp lý để vừa học vừa làm. “Có đi làm mới biết trân trọng sức lao động và giá trị của đồng tiền” - Dự kể - “nhiều người cứ nghĩ đi Tây là sướng, nhưng họ có biết đâu những cơ cực mà chỉ người trong cuộc mới thấu”. Thời tiết mùa đông ở Nga lạnh tới -30 độ, mỗi lần sử dụng xe phải xuống quét tuyết. Xe để ngoài trời sau một đêm tuyết phủ kín một màu trắng, phải ủi hết đá đóng trên cửa kính, khởi động máy khoảng 15 phút mới có thể chạy được, anh tâm sự.
Khắc nghiệt là vậy, nhưng Dự không nề hà. Cứ có khách đặt xe là chạy. Cứ như vậy cho tới khi tốt nghiệp Đại học (năm 2013). Anh tiếp tục kỳ thi lên cao học và đạt điểm. “Một trong những lý do tôi quyết định học tiếp là chúng tôi rất tâm phục khẩu phục GS Я.А. Ломко. Sinh viên hoàn toàn có thể nêu những ý kiến khác biệt, trái chiều nhưng phải có quan điểm rõ ràng để phân tích, lập luận; bản lĩnh của người nêu quan điểm đến đâu, khả năng tranh luận ra sao…, điều này rất quan trọng trong phương pháp luận khoa học và tư duy độc lập”, anh tâm sự.
GS Я.А. Ломко đã gợi mở cho Dự một hướng đi mới là theo con đường du lịch. “Đó là phương thức kết nối Nga – Việt đặc biệt hữu hiệu mà em hoàn toàn có khả năng làm được”, Dự nhớ như in câu nói của thầy. Vậy là, anh theo học song song cả 2 ngành Báo chí và Quản lý Du lịch. Sự nỗ lực không ngưng nghỉ đã mang lại cho Dự kết quả là anh nhận 2 bằng thạc sỹ (năm 2015). Từ chối nhiều lời mời làm việc của các công ty lữ hành, tháng 8/2016, Dự quyết định khăn gói về nước, bất chấp mọi lời khuyên can của gia đình và bạn bè. “Quê hương mỗi người chỉ một, nước Nga đã cho tôi quá nhiều thứ và chính vì thế tôi muốn đem những kiến thức đã được học để cố gắng phát triển, khởi nghiệp, nhất là mở cơ hội để tăng cường kết nối Việt - Nga, như lời thầy đã dạy”, Dự tâm sự.
Công ty TNHH Thương mại Du lịch IMOS DH GROUP (Vinago’s Travel) được Đồng Minh Dự thành lập chỉ sau một thời gian ngắn anh về nước, chuyên tư vấn du học và du lịch Nga. Hiện tại, nhu cầu học tập tại Nga vẫn rất lớn,vì đào tạo tri thức luôn là nhu cầu của nhiều bạn trẻ Việt Nam, hơn nữa Nga hiện đang có khá đông người Việt Nam đang làm ăn sinh sống bên đó và muốn đưa người thân sang để học tập. Thị trường Nga lớn và đào tạo khá bài bản, chính sách giá vẫn thấp hơn các nước khác, Dự cho hay.
‘Chát’ với CEO Vinago’s Travel Đồng Minh Dự:
Anh có thể chia sẻ thêm về Vinago’s?
Chữ GOS trong tên công ty được lấy cảm hứng từ tên chứng chỉ dành cho các sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc gia của Nga. Đó là tôn chỉ hoạt động của tập thể công ty – lấy tiêu chuẩn quốc tế làm trọng cho mỗi sản phẩm của mình. Chuyên nghiệp, tận tình , thấu hiểu.
Sự khác biệt mà Vinago’s mang đến cho khách hàng?
Chúng tôi không muốn du lịch chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, cũng không muốn chỉ đọng lại với khách hàng qua vài bức ảnh check in điểm đến. Cuộc sống đáng quý hơn không phải là những kỷ niệm thoáng qua, đó phải là những trải nghiệm sâu sắc, là những cảm hứng đưa chúng ta về phía trước.
Trong thời đại 4.0, con người có thể dễ dàng đi bất cứ đâu mình muốn. Nhưng nếu đi với tâm thế khép kín, với sự mơ hồ, ta sẽ chẳng thấy gì. Vì thế Vinago’s muốn đồng hàng cùng khách hàng để mở cửa sổ tâm hồn nhìn ra thế giới trong mỗi chuyến đi. Đi để thấy. Để cảm nhận, trải nghiệm, để được tiếp thêm nguồn cảm hứng sống.
Mục tiêu hướng tới của Vinago’s?
Tổ chức những tour du lịch chuyên nghiệp “nhìn ra thế giới” để khách hàng có thể có những trải nghiệm chân thực nhất về văn hóa, lịch sử nước sở tại, để khách hàng cảm nhận được vẻ đẹp trong sự khác biệt giữa những tinh hoa của văn minh nhân loại. Mỗi điểm đến sẽ là 1 câu chuyện về cuộc sống mà ở đó khách hàng không chỉ là người nghe, mà còn là nhân vật tham gia trong đó.
Vinago’s sẽ nỗ lực hết mình để không chỉ dừng lại ở việc trở thành 1 tổ chức lữ hành mang tầm quốc tế, mà tham vọng trở thành người bạn đường tin cậy trong nhiều chuyến du hành, từ ngắn đến dài ngày như các chuyến đi du học xa nhà dành cho các bạn trẻ đam mê thử thách. |
Viễn Nguyệt