
Cây đa đền Thượng - Lào Cai
Đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Lào Cai được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam và là cây thứ 155 trong cả nước được công nhận danh hiệu này.
Cây đa cổ thụ được công nhân là Cây di sản Việt Nam càng làm tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa và môi trường của khu di tích lịch sử đền Thượng - một trong những điểm du lịch tâm linh của Lào Cai thu hút nhiều du khách thập phương.
Theo ông Trần Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa TP. Lào Cai, qua khảo sát thực tế và căn cứ vào các tài liệu khoa học, các chuyên gia đầu ngành của VANE và ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai xác định cây đa cổ thụ nằm trong khuôn viên khu di tích lịch sử đền Thượng là cây đa lông, có tên khoa học là Ficus Drupacea Thunb, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), nguồn gốc tại Đông Nam Á và được phân bổ ở các vùng miền của Việt Nam. Cây đa có độ tuổi khoảng 300 năm, cao 36m, chu vi 44m và là cây đa có chu vi toàn bộ thân cây lớn nhất Việt Nam.
Đền Thượng sát đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, là nơi thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo - vị tướng, người anh hùng dân tộc. Vị tướng đã lãnh đạo toàn dân và quân Đại Việt 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm luợc hồi thế kỷ 13. Để tưởng nhớ công lao của vị tướng quân, nhân dân khu vực biên giới đã trồng cây đa và lập đền thờ Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo và vào rằm tháng giêng hàng năm tại đây diễn ra Lễ hội đền Thượng thu hút du khách thập phương về dâng hương, dâng lễ mở hội tỏ lòng thành kính trước vị tướng tài có công bảo vệ bờ cõi đất nước.
Phương Lan