Một số người Việt Nam không còn xa lạ với giải đua xe F1 ở Singapore nữa, bởi đến đó không chỉ là xem những chiếc xe gầm rú lao vù vù với tốc độ hơn 300 km/h ngay trên đường phố, mà được trải nghiệm với những chương trình giải trí hoành tráng, những buổi hoà nhạc với các ca sĩ lừng danh thế giới, không khí lễ hội tràn ngập khắp đảo quốc này.
Người Singapore hiểu rất rõ thiên nhiên không ưu đãi cho đất nước họ những điểm du lịch lý tưởng như vịnh Hạ Long, bãi biển Đà Nẵng, phố núi Đà Lạt… Muốn thu hút du lịch chỉ có thể tạo ra những công trình nhân tạo vô đối, những sự kiện hoành tráng cỡ như F1, và một thị trường rộng mở thiên đường của mua sắm, của môi trường tinh khiết và tấm lòng hiếu khách. Cái họ làm được là một chiến lược phát triển du lịch thực sự, đồng thuận và thực thi có tổ chức, với một bộ máy lấy thị trường làm trung tâm chiến lược.
Để mang được Formula One về Singapore, Chính phủ đã thực sự “vào cuộc”. Họ thuyết phục công ty F1 bằng một kế hoạch bài bản, có nghiên cứu thị trường và địa hình, môi trường đàng hoàng, và trên hết là một kế hoạch hỗ trợ mọi mặt. Đương nhiên, họ cũng tính đến bài toán kinh tế và khả năng xây dựng một đường đua riêng biệt, nhưng giải pháp đưa ra cuối cùng là sử dụng ngay những con phố quanh vịnh Marina, cho dù mỗi mùa giải phải cất công xây dựng hàng trăm công trình tạm, đóng hàng loạt tuyến phố, và hàng triệu ngày công hậu cần cho mùa giải. Cái tên Singapore Street Circuit từ đó mà ra. Sự đầu tư đó là sáng suốt, bởi mỗi mùa, hàng trăm ngàn người đổ về vịnh Marina, trong đó có chừng 40% du khách quốc tế. Nhưng Singapore không tham, “85 ngàn ghế là vừa đủ, để chúng tôi có thể kiểm soát hoàn hảo và đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Leong Yue Kheong, trợ lý của Lionel Yeo nói như vậy.
Leong hé mở một bí mật: Ngành Du lịch Singapore được điều hành như một cơ chế doanh nghiệp. Trên Tổng Giám đốc Lionel Yeo có một chủ tịch – ông Chew Choon Seng, nguyên là Tổng Giám đốc hãng hàng không Singapore Airlines. Hội đồng quản trị STB toàn là các doanh nhân, ở nhiều ngành khác nhau. Nhiều cán bộ của STB từng hoạt động trong các công ty tư nhân. Người phụ trách marketing hiện nay đã từng là một nhân viên marketing cao cấp của Proter & Gamble… Đương nhiên, bên cạnh họ còn có cái công ty quảng cáo, các công ty PR chuyên nghiệp và các nhân viên giỏi.
Hồi giữa năm, tôi cũng nghe ông giám đốc điều hành của ngành Du lịch Thụy Sỹ nói một điều tương tự. Ông nói rằng: “Tôi điều hành ngành Du lịch Thụy Sỹ như điều hành một doanh nghiệp lớn. Tất cả 600 ngàn con người đang hoạt động trong ngành Du lịch, từ nhân viên lễ tân ở các khách sạn, đến các hướng dẫn viên du lịch, các chuyên gia cao cấp… đều là nhân viên của tôi”.
Cũng như Singapore, Thụy Sỹ đặt văn phòng đại diện (hoặc chí ít cũng có một người đại diện) ở tất cả các thị trường quan trọng. Tất cả họ, cùng với toàn ngành Du lịch, tiến hành các chiến dịch marketing hoàn chỉnh, nhất quán, giống hệt như các chiến dịch marketing của doanh nghiệp.
Khác với Singapore, Thụy Sỹ có nhiều điều kiện khai thác du lịch từ thiên nhiên (cũng như ở Việt Nam), với những ngọn núi băng tuyết quanh năm, những hồ nước trong vắt, quyến rũ khách du lịch. Nhưng cách người ta khai thác cái tự nhiên ấy không giống ta. Họ biến những cái tự nhiên thành sự hoàn hảo tuyệt đối, thành giá trị khác biệt. Ông giám đốc cho tôi xem vài đoạn video quảng cáo, cho thấy cái cách mà người ta đặt một hòn đá tảng sao cho tự nhiên nhất, hữu ích nhất, giữa một khe suốt, cái cách người nông dân trên núi nhỏ vừa đủ dầu bôi trơn để cánh cửa sổ có tí cót két của thời gian xưa cũ… Người Thụy Sỹ còn nghĩ ra cách thu hút du khách nước ngoài bỏ tiền, tự nguyện leo lên núi của họ để lau phân chim, như một sản phẩm du lịch đặc biệt (!).
Người Thụy Sỹ nâng niu tự nhiên, biến tự nhiên trở thành báu vật, và khiến cho khách du lịch thèm khát được hòa vào thiên nhiên ấy. Còn người Singapore thì tôn vinh sự sáng tạo của con người, bắt sự sáng tạo đó thành công cụ moi tiền khách du lịch. Nhìn xem, có bao nhiêu triệu người châu Âu, hễ có cơ hội là tìm cách sang Thụy Sỹ trượt tuyết? Nhìn xem, có bao nhiêu trăm ngàn người sẵn sàng bỏ tiền để được ngự trong 3 tòa tháp của Marina Bay Sands và được bơi trên nóc tòa nhà hình con thuyền? Họ giống nhau ở một điểm – khai thác du lịch bằng các chiến lược marketing chuyên nghiệp, nhất quán.
Mà, hình như, nước nào coi du lịch như một ngành kinh tế trọng điểm quốc gia đều làm như vậy thì phải. Hãy nhìn xem Malaysia, với thông điệp Truly Asia nhất quán, bởi họ tin rằng đất nước này hội tụ đầy đủ nhất, đặc trưng nhất nhiều nền văn hóa Á châu hòa quyện mà không hòa trộn. Hay như người Thái Lan lấy tiêu chí ấn tượng mạnh mẽ với các sản phẩm du lịch hoàn toàn khác biệt làm điểm hấp dẫn khách du lịch, hoàn toàn phù hợp với thông điệp Amazing Thailand.
Đã đến lúc ngành Du lịch Việt Nam phải nghĩ đến một cơ quan tiếp thị du lịch thực thụ, tách rời nhiệm vụ marketing với quản lý chuyên ngành, với một đội ngũ chuyên viên marketing chuyên nghiệp.
Lê Quốc Vinh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)