Cắt giảm tối đa thủ tục để hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
* Những điểm mới của gói hỗ trợ năm nay so với gói hỗ trợ năm ngoái dành cho HDV du lịch là gì, thưa Phó Tổng cục trưởng?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó đã quy định rõ điều kiện được nhận hỗ trợ, hồ sơ và thủ tục thực hiện, đảm bảo Nghị quyết số 68/NQ-CP được triển khai ngay trong thực tế. Điểm mới nổi bật nhất của gói hỗ trợ năm nay là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Cụ thể đối với HDV du lịch, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã đơn giản hóa tối đa hồ sơ, thủ tục để tạo điều kiện cho HDV du lịch được nhận hỗ trợ, cụ thể gồm: Đơn giản hóa thủ tục đề nghị hỗ trợ với quy định 1 cửa tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho HDV du lịch là Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL)/ Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VHTTTTDL); Đơn giản hóa hồ sơ đề nghị chỉ gồm 2 loại giấy đề nghị và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên; Cắt giảm thời gian thẩm định đến mức tối đa 4 ngày; Hình thức nhận hỗ trợ là trực tiếp chuyển vào tài khoản của HDV.
Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ thể hiện sự quan tâm, khuyến khích, động viên của Chính phủ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp du lịch và người lao động trong ngành Du lịch trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19
|
* Vậy quy định cụ thể về điều kiện hỗ trợ, hồ sơ và thủ tục đối với HDV du lịch như thế nào?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg dành Mục 2 Chương VIII quy định 4 điều, từ Điều 31 đến Điều 34 quy định về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ và phương thức chi trả, hồ sơ đề nghị, trình tự và thủ tục thực hiện, trong đó đã tối giản. Điều này là sự ghi nhận và đánh giá cao đối với sự đóng góp của đội ngũ HDV, thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đối với đội ngũ HDV.
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người lao động, nhất là đội ngũ HDV du lịch, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không yêu cầu thẩm định việc HDV bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, người lao động là HDV du lịch không phải nộp các giấy tờ chứng minh bị ảnh hưởng, bị ngưng việc hoặc bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; không phải nộp các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. HDV du lịch có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là được nhận hỗ trợ.
Theo Điều 33, HDV du lịch chỉ phải chuẩn bị hồ sơ gồm 2 loại giấy tờ: (1) Đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; (2) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: (a) Bản sao hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ; (b) Thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Như vậy, trường hợp hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, cần nộp bản sao hợp đồng lao động có hiệu lực trong khoảng thời gian quy định. Hợp đồng lao động không có đủ 10 nội dung theo quy định của Bộ Luật Lao động thì không phải là hồ sơ hợp lệ. Lưu ý, thẻ HDV và thẻ hội viên phải còn thời hạn sử dụng tại thời điểm nộp hồ sơ mới hợp lệ.
* Vậy HDV du lịch có hợp đồng lao động không còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ có được hỗ trợ không, thưa Phó Tổng cục trưởng?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ. Điều này được hiểu là: hợp đồng lao động đó có thể được ký trước hoặc sau ngày 1/1/2021, có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ (hết ngày 31/1/2022), còn hoặc không còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ. Mặt khác, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về hợp đồng lao động và thời gian có hiệu lực của hợp đồng lao động (trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ) là phù hợp với quy định của Luật Du lịch về điều kiện hành nghề của HDV du lịch và phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động về hợp đồng lao động cũng như phù hợp với tình hình phát triển và hoạt động của lực lượng lao động là HDV du lịch.
* Có những quy định và khó khăn nào trong việc xác minh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, thưa Phó Tổng cục trưởng?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Danh sách doanh nghiệp cho thuê lại lao động được công bố trên trang http://thuelailaodong.molisa.gov.vn/HomePage.aspx, thuận tiện cho các cơ quan quản lý xác minh nhanh chóng.
* Hiện nay các địa phương cũng như các HDV du lịch đang rất quan tâm tới các điều khoản trong hợp đồng lao động để xác định đối tượng HDV được nhận hỗ trợ, Phó Tổng cục trưởng có thể hướng dẫn cụ thể thêm về vấn đề này?
Phó Tổng cục trưởng Nguyên Lê Phúc: Theo quy định tại khoản3 Điều 58 Luật Du lịch, hướng dẫn viên du lịch là nghề có điều kiện, chỉ được hành nghề hướng dẫn viên du lịch cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp giấy phép. Điều 31 và Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định HDV du lịch phải có hợp đồng lao động. Hợp đồng mà HDV du lịch ký với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch phải đúng quy định của Bộ Luật Lao động. Theo đó, hợp đồng lao động phải có đủ 10 nội dung (Điều 23 Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13; Điều 21 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14). Nhiệm vụ công việc có nội dung là hướng dẫn du lịch/hướng dẫn viên du lịch.
Căn cứ các quy định trên:
Trường hợp HDV du lịch có hợp đồng theo mùa vụ hoặc hợp đồng theo chuyến tour hoặc hợp đồng cộng tác viên… trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ: cần bám sát tính hợp lệ của hồ sơ với hợp đồng lao động hợp lệ đúng quy định của Bộ Luật Lao động, như trường hợp quy định hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp được tham chiếu tại mục c, khoản 3, điều 58 của Luật Du lịch không thể thay được hợp đồng lao động được tham chiếu tại mục b, khoản 3 cũng điều này.
Trường hợp người lao động có thẻ HDV du lịch, có hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nhưng nội dung của hợp đồng không có đủ nội dung theo quy định của Bộ Luật Lao động, không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ đề nghị hỗ trợ quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cả 2 trường hợp người lao động cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người lao động của địa phương.
Trường hợp người lao động có thẻ HDV du lịch, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc quốc tế không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ đề nghị hỗ trợ quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Trường hợp người lao động có thẻ HDV du lịch, thẻ hội viên được cấp sau ngày 7/7/2021 vẫn thuộc đối tượng hỗ trợ của Chính phủ. Theo quy định của khoản 1 Điều 31 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và quy định tại Đơn đề nghị hỗ trợ, giá trị thẻ hướng dẫn viên du lịch còn hạn sử dụng đến thời điểm nộp hồ sơ (hết ngày 31/1/2021). Điều này có nghĩa là thẻ HDV du lịch được cấp trước hoặc sau ngày 7/7/2021 và còn giá trị sử dụng đến thời điểm nộp hồ sơ (thẻ còn thời hạn sử dụng, đồng thời HDV du lịch không bị thu hồi hoặc bị tước thẻ HDV du lịch).
Trường hợp người lao động có thẻ hội viên tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch hết hạn sử dụng hoặc mới được cấp sau ngày 7/7/2021: theo quy định tại Điều 31 và Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch được cấp trước hoặc sau ngày 7/7/2021 và còn giá trị sử dụng đến thời điểm nộp hồ sơ (thẻ hội viên còn hạn sử dụng và không bị thu hồi), là hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp HDV là chủ doanh nghiệp được hỗ trợ nếu có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trường hợp không có đủ hồ sơ thì không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ. Trường hợp giám đốc là chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có thẻ HDV du lịch, tự hành nghề hướng dẫn du lịch cho khách du lịch nhưng không có hợp đồng lao động (không tự ký hợp đồng lao động với chính mình), không có thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch thì cần nghiên cứu gói hỗ trợ khác dành cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hoặc chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương.
Trường hợp HDV du lịch tại điểm là công chức, viên chức được điều động đến đơn vị sự nghiệp, làm công tác hướng dẫn du lịch tại điểm, HDV du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch của tư nhân: thì không phân biệt vị trí, chức vụ trong tổ chức, đơn vị quản lý khu du lịch, điểm du lịch, có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 33 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, là đối tượng được nhận hỗ trợ. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng cắt giảm hồ sơ đề nghị đối với HDV du lịch tại điểm để phù hợp với quy định tại Luật Du lịch. Khi nào nhận được văn bản hướng dẫn, Tổng cục Du lịch sẽ thông báo để các Sở thực hiện.
Trường hợp thẻ HDV du lịch do một địa phương cấp nhưng HDV du lịch sống và làm việc tại địa phương khác hoặc có thẻ hội viên ở địa phương khác, theo Điều 34 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì địa phương nào cấp thẻ cho HDV du lịch thì địa phương đó nhận hồ sơ đề nghị của HDV và thực hiện hỗ trợ HDV theo quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Các Sở DL/VHTTDL/VHTTTTDL thẩm định đối tượng HDV du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hướng dẫn du lịch, nội dung hợp đồng lao động theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động. Hướng dẫn viên phải chịu trách nhiệm về các nội dung kê khai trong giấy đề nghị và hồ sơ kèm theo.
* Thời hạn nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ và thời gian thẩm định hồ sơ mất bao lâu, thưa Phó Tổng cục trưởng?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Khoảng thời gian nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ kéo dài 6 tháng (từ ngày 7/7/2021 đến hết 31/01/2022), như vậy HDV du lịch có đủ thời gian để hoàn thiện hồ sơ và lựa chọn thời gian thích hợp để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Thời gian thẩm định hồ sơ là 2 ngày: hồ sơ, thủ tục đã rõ ràng, các quy định của pháp luật hiện hành, các phương tiện để xác minh HDV, doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hội viên tổ chức xã hội nghề nghiệp đã được số hóa, minh bạch… tạo điều kiện cho HDV sớm nhận được hỗ trợ từ Chính phủ.
Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương cũng có những chính sách riêng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Vì vậy, HDV du lịch cần lưu ý quy định tại khoản 6 Điều 44 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nếu đủ điều kiện hưởng chính sách quy định tại Quyết định này và chính sách hỗ trợ của địa phương thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất.
* Trong tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh/thành phố, có tạo điều kiện gì cho thủ tục cấp đổi thẻ HDV du lịch trong năm 2021?
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở DL/VHTTDL/VHTTTTDL các tỉnh/thành phố căn cứ vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, tăng cường tổ chức các khóa cập nhật kiến thức về du lịch cho hướng dẫn viên trực tuyến hoặc có hình thức cập nhật kiến thức cho HDV phù hợp với điều kiện của địa phương vừa đảm bảo yêu cầu của Luật Du lịch, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định.
* Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc!
Hoa Trang (thực hiện)