Là thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối giao thông nối liền giữa các địa phương trong vùng với miền Đông Nam Bộ và cả nước, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Danh lam thắng cảnh
Cần Thơ vừa mang những nét chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang những nét đẹp riêng của vùng Tây Đô. Được thiên nhiên ưu đãi, Cần Thơ có nguồn tài nguyên rất đặc trưng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt bao phủ xung quanh, hình thành nên các cồn, cù lao trên sông. Nhờ vậy, vùng đất này sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sông nước miệt vườn.
Bến Ninh Kiều
Nằm ở hữu ngạn cửa sông Hậu và sông Cần Thơ, bến Ninh Kiều được xem là vị trí đắc địa cả về giao thông, thương mại và du lịch. Về đêm, bến Ninh Kiều trở nên lung linh thơ mộng và huyền ảo. Đến đây, du khách có thể vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công viên bến Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ, vừa thong thả dạo chơi trên cầu, tham gia các hoạt động về đêm, hít thở bầu không khí trong lành trên dòng sông Hậu. Với những giá trị đặc sắc, bến Ninh Kiều được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long bình chọn là một trong 4 điểm đến tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long.
Chợ cổ Cần Thơ
Nằm ngay bến Ninh Kiều, trên đường Hai Bà Trưng, chợ cổ Cần Thơ từng là một trong những ngôi chợ sầm uất nhất và có kiến trúc đẹp nhất vùng sông nước Cửu Long. Đến thăm chợ, du khách sẽ không khỏi xúc động khi đứng trước vẻ ngoài khá cổ kính với phần trần cong, có mái ngói lợp theo kiểu âm dương. Chợ cổ Cần Thơ ngày nay tuy không còn là trung tâm buôn bán sầm uất của khu vực Nam Kỳ lục tỉnh những năm đầu của thế kỷ 20, nhưng vẫn còn in dấu đậm nét cổ kính, phong thái trong buôn bán của người Nam Bộ.
Làng du lịch Mỹ Khánh
Làng du lịch Mỹ Khánh là một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng không chỉ của Cần Thơ mà cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Với diện tích hơn 50.000m2, Mỹ Khánh hấp dẫn du khách với những vườn cây trái trĩu quả, những ngôi nhà cổ Nam Bộ, bên cạnh là ao cá, kênh rạch cùng nhiều hoạt động du lịch thú vị khác. Điều làm du khách ấn tượng đầu tiên khi đến Mỹ Khánh chính là một khuôn viên rộng lớn mang sự xanh mát cùng một bầu không khí trong lành, mát mẻ. Vì vậy, Khu du lịch Mỹ Khánh còn được ví như một làng quê Nam Bộ thu nhỏ với những giá trị văn hóa, truyền thống của người dân phương Nam xưa, bình yên và mộc mạc.
Chợ nổi Cái Răng
Từ bến Ninh Kiều dọc theo triền sông, du khách có thể đi tham quan chợ nổi - một nét văn hóa đặc sắc của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng. Chợ nổi Cái Răng không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn góp phần làm nên tên tuổi Cần Thơ với bạn bè quốc tế. Chợ nhộn nhịp với nét văn hóa thương hồ, với những cây “bẹo” giúp người mua dễ dàng nhận biết các sản phẩm được bày bán trên ghe. Với những nét đặc trưng riêng, chợ nổi Cái Răng đã thật sự trở thành điểm du lịch tiêu biểu, có sức hút du khách mạnh mẽ khi đến với Cần Thơ. “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vườn cò Bằng Lăng
Vườn cò Bằng Lăng thuộc huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Từ quốc lộ 9 rẽ vào khoảng hơn 1km, băng qua chiếc cầu nhỏ rồi men theo đường làng, bạn đã thấy thấp thoáng vườn cò Bằng Lăng rộng trên 2ha hiện ra trước mắt. Vườn cò Bằng Lăng có đủ các loại cò, thuộc đủ chủng loại khác nhau. Để có thể ngắm những cảnh đẹp khó quên, bạn có thể tới lúc 6 - 7h để xem từng đàn cò trắng tỏa đi kiếm ăn, hoặc là đến lúc 17h để đón chúng bay về. Trong ráng chiều đỏ hồng, từng đàn cò nối đuôi nhau bay về, cánh chao nghiêng theo chiều gió, rối rít gọi nhau.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Thành phố Cần Thơ là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng với nhiều di tích văn hóa lịch sử, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Các công trình ở đây vừa đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của du khách, vừa là điểm tham quan văn hóa truyền thống, tiêu biểu như: Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đình Bình Thủy, nhà cổ Bình Thủy.
Đình Bình Thủy
Đình Bình Thủy, tên cũ là đình Long Tuyền, tọa lạc trên đất phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc ở miền Tây Nam Bộ, vùng đất mới khai phá với những mảng chạm, những họa tiết trang trí, khắc gỗ rất tinh tế và sinh động mang nhiều nét kiến trúc dân tộc. Đình được dựng vào năm 1844, năm 1852 đình được vua Tự Đức phong sắc. Năm 1909, đình được xây lại, mái lợp ngói gồm 2 khu: khu đình chính và khu “lục ấp”. Khu đình chính có 5 ngôi nhà: 2 nhà vuông là tiền đình và chính điện, 3 nhà nối 2 nhà vuông với nhau. Khu “lục ấp” gồm một nhà hát và khu nhà chuẩn bị đồ cúng lễ. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Đình có kiến trúc khác với các đình ngoài Bắc: ngôi tiền đình và chính điện hình vuông, mỗi chiều có 6 hàng cột, mỗi hàng 6 cột. Các cột trong chính điện được chạm khắc hình rồng, hoa mẫu đơn quấn quanh. Chánh điện có 3 mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc “thượng lầu hạ hiên”. Trên nóc có gắn tượng người, kỳ lân, cá hóa rồng. Đình thờ bổn cảnh thành hoàng và thờ các vị có công với nước như Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập…
Nhà cổ Bình Thủy
Về với vùng sông nước Cần Thơ, du khách đừng quên ghé qua ngôi nhà cổ Bình Thủy - được mệnh danh đẹp nhất xứ Tây Đô. Nhà cổ Bình Thủy nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngôi nhà cổ năm gian hai mái, kiến trúc kiểu Pháp được gia đình họ Dương xây vào năm 1870. Ðây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa cũng như tiến trình phát triển dưới tác động khác nhau lúc giao thời giữa hai thế kỷ của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Ðặc biệt, ngôi nhà cổ còn chứa trong nó một “kho đồ cổ” quý giá được gìn giữ từ bao đời nay như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm, bộ salon kiểu Pháp đời Louis 15, mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18. Nơi này cũng từng được lấy làm bối cảnh của bộ phim “Người tình” của đạo diễn J.J.Annaud nổi tiếng.
Bảo tàng Cần Thơ
Năm 1976, Bảo tàng Cần Thơ được xây dựng với tên gọi ban đầu là trung tâm văn hóa Việt - Mỹ. Toàn bộ bảo tàng được xây dựng với tổng diện tích gần 3.000m2, là nơi trưng bày và lưu giữ những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử đối với văn hóa, lịch sử và con người Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bảo tàng được xây dựng thành 2 tầng, tầng trệt lưu giữ và trưng bày các hiện vật liên quan đến điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa Khmer và một số nền văn hóa đã tồn tại ở khu vực này từ nhiều thế kỷ trước. Tầng 2 là nơi trưng bày các hiện vật và lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân nhân vùng Cần Thơ - Hậu Giang trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược của dân tộc. Với hơn 1.000 hiện vật, cổ vật, Bảo tàng Cần Thơ thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho bất kỳ du khách nào, đặc biệt là những du khách yêu thích lịch sử, văn hóa.
Thiền viện Trúc lâm Phương Nam
Thiền viện Trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Khách thập phương lần đầu tiên đến đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ độc đáo của ngôi chùa mang nét văn hóa kiến trúc thời Lý - Trần. Ngoài ngôi chính điện, khuôn viên được bài trí cân đối với khoảng 20 hạng mục công trình như: nhà tổ, hội trường rộng rãi làm nơi giảng đạo, tu học cho khoảng 500 tăng sinh, phật tử, bảo tháp 9 tầng, tháp trống, tháp chuông bằng đồng, khu tăng xá và nhà khách, khu trai đường, thư viện và phòng thuốc, nhà thủy tạ… xây bao quanh, tạo thành một quần thể kiến trúc mang đậm ý nghĩa văn hóa lịch sử.
Lễ hội Cần Thơ
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có khoảng 70 lễ hội truyền thống, trong đó có khoảng 20 lễ hội diễn ra hàng năm như Kỳ Yên đình làng, lễ giỗ danh nhân, lễ hội của các dân tộc. Những năm gần đây, các lễ hội ở Cần Thơ diễn ra sôi động với nhiều hoạt động phong thú, thu hút đông đảo du khách tham gia.
Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền đình Bình Thủy
Đến hẹn lại lên, từ ngày 12 - 14/4 âm lịch hàng năm, du khách thập phương lại tụ về đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ để tham gia Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền. Lễ hội là một phần đời sống tâm linh của nhân dân địa phương. Bên cạnh các nghi lễ tôn nghiêm như: lễ đưa sắc thần du ngoạn, lễ tế thần nông, lễ thay khăn sắc thần, lễ xây chầu Đại bội, lễ chánh tế… Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền đình Bình Thủy còn có nhiều hoạt động như hát tuồng cổ, đua thuyền truyền thống, trò chơi dân gian, các hội thi đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham dự.
Lễ Tống phong
Lễ Tống phong (tống gió, tống ôn dịch), thực chất là Lễ hội cầu an ngày đầu năm mới của người dân xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, thường được tổ chức từ ngày 12 - 14 tháng giêng hàng năm trên dòng sông Hậu. Trọng tâm của lễ hội là cả xóm chài cùng thả một chiếc thuyền. Con thuyền theo dòng nước mang đi những loại tà khí, ô uế có thể sinh ra dịch bệnh và loại trừ cái xấu xa, xúi quẩy, phiền muộn và bệnh tật, đồng thời đón lấy những ngọn gió lành, những điều may mắn, hưng thịnh về cho xóm làng. Lễ Tống phong đã thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của cư dân sông nước miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng, góp phần thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.
Làng nghề truyền thống
Ngoài vẻ đẹp trù phú mà thiên nhiên ban tặng, Cần Thơ còn là nơi được du khách biết đến bởi sự đa dạng phong phú về các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ.
Nghề chằm nón lá Cần Thơ
Chiếc nón lá không chỉ đơn thuần dùng để che nắng, che mưa mà hơn thế nữa, đó là nét riêng, cái “duyên” của dân tộc. Và đâu đó vẫn còn những xóm nghề, những con người vẫn đang âm thầm giữ hồn nón Việt như nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A, thành phố Cần Thơ. Không ai nhớ rõ nghề chằm nón lá ở Thới Tân An xuất hiện từ năm nào và tổ nghề là ai, tuy nhiên, theo những người làm nghề lớn tuổi ở đây, nghề này có khoảng trên 70 năm, cứ đời trước truyền cho đời sau, nghề chằm nón duy trì cho đến tận bây giờ.
Làng lọp Thới Long
Vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch hàng năm, làng đan lọp ở phường Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ lại hoạt động nhộn nhịp để cung cấp lọp (dụng cụ bắt cá, tôm, tép…) cho người dân đồng bằng sông Cửu Long đánh bắt thủy sản vào mùa nước nổi. Mỗi năm, làng sản xuất hơn 500.000 sản phẩm. Ngoài Cần Thơ, khắp các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, An Giang… đều sử dụng lọp Thới Long để đánh bắt thủy sản.
Nghề bánh tráng Thuận Hưng
Bước vào làng bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, du khách sẽ thấy mùi thơm sực nức của bột, dừa và khói. Hai bên đường vào làng là những phiên bánh tráng được phơi đều tăm tắp. Làng nghề này đã tồn tại hơn 200 năm và được duy trì nhờ tình yêu nghề của nhiều thế hệ. Các sản phẩm tiêu biểu của làng nghề có bánh mặn, bánh lạt, bánh nem và bánh dừa. Hiện nay, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng là một trong những điểm tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách khi với Cần Thơ.
Ẩm thực
Được kết tinh từ các món ăn đặc sản từ nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên văn hóa ẩm thực của người Cần Thơ rất đa dạng, nổi tiếng với các món ăn dân dã, mang đậm hương vị của miền Tây Nam Bộ như: bánh tét lá cẩm, bánh xèo mang thương hiệu 10 Xiềm, bánh hỏi mặt võng Út, vịt nấu Chao. Các món ăn này đã góp phần tạo nên thương hiệu cho ẩm thực Cần Thơ đến với du khách trong và ngoài nước.
Để du lịch phát triển bền vững theo hướng: an toàn - thân thiện - chất lượng, Cần Thơ tiếp tục tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước; đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch và trình độ, kỹ năng lực lượng lao động trong Ngành.
T.T