Du lịch Việt Nam có nhiều khởi sắc
Báo cáo về tình hình hoạt động du lịch trong 4 tháng đầu năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Việt Nam đã đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, 38,2 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 196,6 nghìn tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất cán mốc 1 triệu lượt (chiếm 29%), tiếp theo là Mỹ, Trung Quốc. Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, trong tốp 10 thị trường hàng đầu, Đông Bắc Á có 4 thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản; Đông Nam Á có 3 thị trường: Thái Lan, Malaysia, Campuchia…; khu vực châu Âu có Anh, Pháp, Đức là các thị trường gửi khách lớn nhất. Động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường Trung Quốc sau khi nước này mở lại tour du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ ngày 15/3.
Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5, cả nước ước đón hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ); công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú đạt 60%, đặc biệt với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy từ 95-100%. Trong kỳ nghỉ lễ, các doanh nghiệp lữ hành và các hãng hàng không đã chủ động giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp với xu hướng và tâm lý của du khách. Với những chính sách ưu đãi, giảm giá cùng nhiều sản phẩm mới mà các đơn vị lữ hành tung ra trong dịp nghỉ lễ, lượng khách đặt tour, vé máy bay có sự gia tăng, cơ bản đạt được mục tiêu kinh doanh đặt ra. Các sản phẩm du lịch được doanh nghiệp chủ động làm mới, liên kết, thu hút đông đảo du khách, tiêu biểu như các chương trình trải nghiệm du lịch sinh thái, gắn với di tích lịch sử văn hóa tâm linh tại Hà Nội; sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt, tour đảo) được du khách quốc tế ưa chuộng, lựa chọn.
“Trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4-1/5 năm nay, một số địa bàn du lịch đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, với lượng khách tăng đáng kể, có nơi không đạt như kỳ vọng nhưng chất lượng khách tốt hơn. Vì thời gian nghỉ tương đối dài nên đa số lựa chọn của khách du lịch là một số khu, điểm du lịch gần biển, có sản phẩm du lịch biển phát triển như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng… hoặc vui chơi, tham quan các khu điểm du lịch văn hóa, sinh thái; đối tượng chủ yếu là khách lẻ, khách theo gia đình, theo nhóm từ 3-5 người” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, công tác xúc tiến, quảng bá cần phải triển khai một cách liên tục. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu kiến nghị Bộ cần có văn bản định hướng thị trường trọng điểm đến các địa phương; trong đó đưa ra các danh mục sự kiện mà Bộ sẽ triển khai xúc tiến quảng bá. Từ đó, các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn để lựa chọn tham gia các sự kiện phù hợp. Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, công tác truyền thông chính sách hiện đang rời rạc và chưa tổng thể. Chúng ta cần có chiến lược truyền thông toàn diện, trong đó xác định được đối tượng thị trường muốn hướng đến. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị truyền thông, nhà xuất bản, mạng xã hội…” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực sự nhìn thấy, hiểu được công tác xúc tiến quảng bá. Hiệu quả của công tác này thường được chứng minh bằng những thời điểm sau đó chứ đôi khi không nhìn thấy ngay được. Thứ trưởng cũng đề nghị cần quan tâm trong việc lựa chọn, đào tạo, nâng cao chuyên môn đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực du lịch - một ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận sự khởi sắc của du lịch Việt Nam. Bộ trưởng nhận định, để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, thu hút đông khách quốc tế cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Bộ trưởng cho rằng cần trao đổi, thảo luận về xúc tiến quảng bá, về truyền thông chính sách, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; công tác thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng chặt chém du khách tại các điểm du lịch… Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch đã tập trung tháo gỡ, khắc phục những “điểm nghẽn” để đạt được các kết quả đáng ghi nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, để du lịch trở thành nền kinh tế xanh, nền kinh tế tổng hợp và từng bước trở thành nền kinh tế mũi nhọn theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai hội nghị lớn với các địa phương về du lịch. Từ đó, các địa phương thống nhất hành động để cùng với Bộ khắc phục điểm nghẽn, tăng thu dịch vụ du lịch trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu những áp lực, khó khăn trước mắt. Chính phủ cũng đã kiến nghị với Quốc hội để sửa đổi Luật về xuất, nhập cảnh, nhằm tháo gỡ những vấn đề về visa, tạo điều kiện để khách quốc tế đến với Việt Nam một cách thuận lợi, dễ dàng; khắc phục tình trạng chúng ta đi trước nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Bộ trưởng cho rằng, để tháo gỡ các vướng mắc, những “điểm nghẽn”, cần phải tập trung nhiều vào công tác quảng bá hình ảnh ra quốc tế và làm mới bản sắc của du lịch. “Bộ đã có những hội nghị chuyên đề với các địa phương để triển khai, hoàn thành chiến lược về marketing, quảng bá du lịch; đã phối hợp với một số cơ quan truyền thông quốc tế để có được một số ấn phẩm. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã tập trung nhiều hơn vào các thị trường khách, có dự báo sớm, phân tích, định hướng để có phương án xúc tiến hiệu quả” - Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhìn tổng thể dư địa phát triển du lịch rất lớn, nhưng cách làm vẫn chưa đạt được như mong muốn. Bộ trưởng chỉ rõ: “Khả năng phân tích, dự báo chưa sát; còn thiếu các công cụ kiểm tra, kiểm soát, đánh giá và phân tích, dự báo thị trường, nhất là những thị trường khách quốc tế; chưa theo kịp những diễn biến tâm lý khách hàng sau đại dịch COVID-19. Chúng ta cũng chưa dự báo được nhu cầu chi tiêu, nhu cầu điểm đến phải an toàn. Các điểm thuận lợi nhất trong bán hàng hóa, sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của khách. Chính vì vậy, chúng ta vẫn làm theo hướng cũ, không đưa ra được những thông điệp truyền thông mới. Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi vì sao mở cửa mà khách không đến?”.
Bộ trưởng nhận định, công tác xúc tiến quảng bá cũng đang gặp vấn đề. Nhìn ở góc độ địa phương và cấp Bộ, chúng ta vẫn làm theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chưa huy động được sức mạnh tổng lực. Có những vấn đề có thể phối hợp được với Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao với các địa phương ở những địa bàn trọng điểm nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. “Chiến lược marketing đã có, cần lan tỏa đến các địa bàn, địa phương; phải bám sát để tập trung truyền thông, quảng bá, hoạch định chính sách thu hút khách. Đừng để chiến lược marketing chỉ trong Bộ mà các địa phương không quan tâm nên họ tự đi theo cách làm của họ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu tập trung công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo các địa phương nghiên cứu chiến lược truyền thông, marketing; phân tích các dự báo cung cấp cho các địa phương để các địa phương bám sát vào định hướng, tổ chức hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường, khách hàng; công bố thông tin cho các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương nắm để đi theo định hướng “đúng và trúng”… “Tổng cục Du lịch phải khẩn trương xây dựng truyền thông chính sách đến các quốc gia, vùng lãnh thổ, những thị trường trọng điểm; tuyên truyền về chính sách mở cửa, hội nhập của đất nước; chính sách thị thực điện tử của Việt Nam. Đồng thời, thông qua cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài quảng bá hình ảnh, điểm đến của Việt Nam; đề nghị các cơ quan phải đưa lên kênh truyền thông của các cơ quan. Tổng cục Du lịch phải làm việc ngay với các nền tảng mạng xã hội, phối hợp để có hướng dẫn về nội dung sản xuất các video quảng bá du lịch Việt Nam; phải kiểm soát nội dung, có đặt hàng sản xuất video, ký kết hợp tác gắn với truyền thông, phải xúc tiến quảng bá, chọn việc, chọn điểm để làm. Khâu quảng bá phải nắm bắt được tâm lý khách du lịch của các thị trường. Đặc biệt là huy động được các địa phương có quan hệ tốt với các thị trường khách quốc tế, đưa ra những sản phẩm tạo được ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam. Tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, New Zealand… Các đơn vị trong Bộ phải có sự phối hợp, nghiêm túc làm việc, bằng nhiều giải pháp phù hợp phải tăng lượng khách, tăng thu từ du lịch” - Bộ trưởng chỉ đạo.
Đối với du lịch nội địa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý điểm đến; khuyến khích các địa phương có sản phẩm du lịch đặc sắc, quảng bá sản phẩm đó. Thông điệp của chúng ta đưa ra mạnh mẽ “Mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch”; phải làm sao du khách khi kết thúc hành trình du lịch tại Việt Nam phải luôn nhớ nhung, muốn quay lại. Phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm, tình trạng chặt chém du khách. Các địa phương cần đưa nhiệm vụ phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương; tham mưu cho Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn lực cho phát triển du lịch; huy động sức mạnh xã hội, tạo động lực góp phần thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển.
Tuấn Sơn