Hội chợ thu hút hơn 400 gian hàng của gần 300 đơn vị, doanh nghiệp (DN) tiêu biểu nhất Việt Nam hiện nay. Trong số đó, 90% là sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, 10% là các sản phẩm thiết bị máy móc và vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất, các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục... Có thể nói, đây là triển lãm Hội chợ có quy mô lớn và cách làm chuyên nghiệp nhất từ trước đến nay do Bộ Công thương, UBND TP. Hải Phòng bảo trợ. Hiệp hội Triển lãm và Hội nghị Việt Nam chủ trì. Công ty Cổ phần ACS Việt Nam thực hiện.
Tôn vinh hàng hóa trong nước
Với chủ đề “tự hào hàng Made in Việt Nam”, triển lãm Hội chợ “hàng Made in Viet Nam'' diễn ra từ ngày 26 - 30/11/2009 nhằm hưởng ứng gói giải pháp kích cầu của Chính phủ đồng thời là hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa quan trọng năm 2009, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần giảm nhập siêu, ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: Triển lãm Hội chợ “hàng Made in Việt Nam'' lần thứ nhất năm 2009 là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tại khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung, nhằm tôn vinh hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng thị phần, phát triển thị trường nội địa; đồng thời chuyển dịch thị trường, hướng tới thay đổi nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam, khuyến khích “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để góp phần phát triển đất nước.
Để người dân gắn bó lâu bền với hàng Việt Nam
Có thể nói: Chưa có triển lãm, hội chợ nào mà đơn vị bảo trợ, nhà tổ chức sự kiện lại giành thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và quảng cáo hoành tráng trên diện rộng như triển lãm Hội chợ “hàng Made in Việt Nam''. Điều này cho thấy, các Bộ, Ngành, DN hết sức coi trọng thị trường trong nước. Chúng tôi không thể nói hết ra đây những kỳ vọng của các bộ ngành, nhà tổ chức, DN tham gia hội chợ “hàng Made in Việt Nam''. Thế nhưng từ thực tế qua các chiến dịch rầm rộ đưa hàng về nông thôn mà rất nhiều DN Việt Nam đã triển khai nhiều lần trong gần 01 năm qua có thể thấy rằng: Để đạt được kỳ vọng đề ra, đó là đón nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người Việt Nam trong một sớm một chiều mà mới chỉ dựa vào khâu tuyền truyền quảng bá hoành tráng, sôi động thì không hề đơn giản. Mấu chốt thành công ở đây là DN phải thấu hiểu được cuộc sống, thu nhập thực tế và tâm lý của người dân.
Nhiều DN đã từng tham gia chiến dịch đưa hàng Việt Nam về nông thôn chia sẻ: Có đưa hàng về nông thôn mới thấy: đời sống của người dân còn nghèo lắm. Hội chợ thì rất đông người nhưng số lượng hàng hóa bán được không được là bao. Nhiều gia đình rất muốn mua hàng Việt Nam nhưng ngặt một lỗi thu nhập của gia đình quá eo hẹp. Tất cả đều quy ra từ hạt thóc, củ khoai. Theo đó mấu chốt của chiến dịch “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không đơn giản là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy cái nhìn cởi mở đối với hàng hóa sản xuất trong nước mà phải làm sao để đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Trong khi giá cả hàng Việt luôn có xu hướng chạy xa thu nhập thực tế của nông dân Việt Nam, thì mẫu mã, kích cỡ của hàng hóa Việt Nam đối với thị hiếu, thể trạng, tầm vóc của người Việt cũng là một điều nói mãi không hết. Có nhiều người dân đi lại quanh gian hàng bán áo sơ mi của DN trong nước cả giờ đồng hồ nhưng không thể mua được một cái áo sơmi vừa thân mình. Nếu thử cỡ 39 thì quá chật, chuyển sang cở 40 lại rộng. Số người mua được quần, áo may sẵn vừa vặn với vóc dáng của mình rất ít. Điều này cho thấy, DN Việt Nam đưa hàng về với người dân Việt Nam nhưng chưa hề quan tâm đến việc nghiên cứu thể trạng, tầm vóc người Việt. Những mẫu quần, áo họ mang về nông thôn thực ra là những lô hàng may cho người nước ngoài. Nay gặp khủng hoảng, DN tung vào thị trường Việt Nam.
Những mặt hàng đưa về với người dân dứt khoát phải là những hàng chính hãng, chất lượng tốt, thời gian sử dụng lâu. Thông qua các hội chợ triển lãm DN phải thực sự cầu thị, lắng nghe tâm tư, mong muốn của người dân. Khách hàng thực sự phải là thượng đế. Nếu không thấu hiểu được nhu cầu và thực tế đời sống của người dân thì DN trong nước vẫn mãi không thể khai thác có hiệu quả thị trường Việt Nam, với 70% người dân sống nhờ vào nông nghiệp.
Với mong muốn hàng Việt Nam mới từng bước được mở rộng tại thị trường trong nước, trước tiên DN phải giảm giá thành, tăng các biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng và khuyến mại quà tặng. Đặc biệt, DN phải nâng cao chất lượng của hệ thống phân phối và đội ngũ phân phối bán hàng tại các vùng nông thôn; đồng thời liên tục mở ra những địa bàn mới với các sản phẩm và dịch vụ tốt.
Khôi Minh