Theo số liệu của ngành Công an và thống kê của các huyện, thị xã, thành phố thì hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 1.194 người nghiện ma túy (có hồ sơ quản lý), 600 - 700 người nghi vấn sử dụng trái phép các chất ma túy. Trong số đó mới có 155 người đang chấp hành án tại các trại giam; 253 người cai tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề - Hướng thiện tỉnh, số còn lại vẫn ở ngoài xã hội. Con số này có thể sẽ giảm nhiều nếu mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phát huy được hiệu quả.
Thực tế thì từ năm 2010 đến nay mới có 3 lớp cai nghiện tại cộng đồng được mở ở huyện Tiên Du và giúp cai nghiện được 41 trường hợp, cộng với 159 trường hợp cai nghiện tại gia đình, có sự giám sát của chính quyền địa phương, song hiện số người này có mắc nghiện lại hay không thì vẫn chưa nắm được.
Cai nghiện tại cộng đồng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nếu không tổ chức tốt thì hầu như không mang lại hiệu quả. Bản chất của công tác cai nghiện rất vất vả, phải mất khoảng thời gian 2 năm vừa cắt cơn, giải độc, vừa theo dõi, giám sát chặt chẽ và tạo việc làm cho người nghiện mới có thể giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi cai nghiện tại cộng đồng chỉ tổ chức được tối đa trong thời gian 6 tháng, thậm chí có nơi chỉ giúp họ cắt cơn, giải độc và giám sát khoảng 2 tuần là đưa về gia đình.
Vướng mắc nhất hiện nay chính là ở các xã, phường hầu như không có lực lượng chuyên trách có trình độ chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy. Hầu hết là kiêm nhiệm, giao cho các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh chịu trách nhiệm quản lý, không có thù lao. Cơ sở vật chất về y tế như giường bệnh, thuốc trị bệnh, đội ngũ y, bác sỹ lại quá thiếu...

Phải thẳng thắn thừa nhận là xã hội vẫn rất kỳ thị, xa lánh những người nghiện, nếu không có sự nhiệt tình giúp đỡ họ thì đôi khi có cai nghiện tại cộng đồng, song chỉ là hình thức. Bên cạnh đó, cai nghiện tại cộng đồng, người nghiện vẫn được sinh sống tại chỗ, có thể gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè xấu, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và các tổ chức xã hội sẽ tác động rất xấu đến người nghiện, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy.
Chủ trương hiện nay là vẫn khuyến khích tổ chức cai nghiện tại cộng đồng. Nói như anh Nguyễn Đình Thi, quyền Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục phòng chống TNXH thì: “cai nghiện tại cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả rất tốt, nếu gia đình, các tổ chức xã hội cùng quyết tâm vào cuộc. Cộng đồng là nơi gần gũi, dễ phát hiện người bị nghiện nhất, và khi được phát hiện sớm, trị bệnh kịp thời, chắc chắn hiệu quả sẽ rất cao”.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94 thay thế Nghị định 56 về các quy định đối với cai nghiện tại cộng đồng, trong đó yêu cầu phải có sự phối hợp, vào cuộc liên ngành giữa Công an, Y tế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền các địa phương. Vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cũng đã tổ chức tập huấn cho 126/126 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh về công tác cai nghiện tại cộng đồng. Hy vọng đây sẽ là hướng mở để tháo gỡ những khó khăn trong công tác cai nghiện tại cộng đồng hiện nay, đồng thời nâng cao trách nhiệm ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể đối với công tác này.
P.V