Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Năm 2014, tình trạng người nghiện không có nơi cư trú đã ảnh hưởng tới trật tự xã hội. Sau gần hai tháng truy quét, TP. Hồ Chí Minh đã đưa được hơn 5.800 người có dấu hiệu nghiện vào trung tâm cai nghiện, qua kiểm tra thì 1.400 người sử dụng ma túy.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2014, gần 36.500 người được tổ chức cai nghiện; trong đó, người cai nghiện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội là hơn 28.000, tại các cơ sở tư nhân là 4.700. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện điều trị thay thế bằng Methadone cho gần 25.000 người tại 134 cơ sở thuộc 41 địa phương. Năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra mục tiêu tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 người, trong đó cai tại trung tâm và cai tại cộng đồng mỗi nơi khoảng 20.000 người, dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 15.000 người sau cai.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, những người thật sự cai nghiện được phần lớn tự nhận thức được và có quyết tâm lớn; chi ngân sách cho một người cai nghiện ở trung tâm mỗi năm hơn 10 triệu đồng, chưa kể những chi phí mà gia đình và xã hội đóng góp. Hiện nay, cứ 6 người nghiện thì mới đưa được 1 người vào trung tâm. Do vậy, cần nhìn tổng thể để đánh giá lại hiệu quả của các trung tâm cai nghiện trong thời gian qua; đồng thời, đề nghị lãnh đạo địa phương trực tiếp làm việc với các trung tâm cai nghiện trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Năm 2015, cần đổi mới các trung tâm cai nghiện, chuyển sang hoạt động theo hình thức cai nghiện tự nguyện, xã hội hóa, mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone để giảm chi phí, giảm căng thẳng cho xã hội mà vẫn đảm bảo được quyền con người.
TH