Để du lịch đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình phát triển Du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, cũng như phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra thì ngành Du lịch Thanh Hóa cần có những giải pháp mang tính đột phá phù hợp với sự phát triển chung của toàn thế giới. Sự phát triển mang tính “bước ngoặt” của thời đại trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) sẽ tạo cơ hội để phát triển ngành Du lịch nói chung và Du lịch Thanh Hóa nói riêng.
Trước những tác động của cuộc CMCN 4.0, để du lịch Thanh Hóa phát triển cần một số giải pháp:
Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, lao động trong ngành Du lịch về tác động của cuộc CMCN 4.0 đến du lịch; tăng cường hội nhập quốc tế, thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Hai là, xây dựng chiến lược phát triển du lịch thông minh như: quảng bá tích hợp toàn ngành và bám sát phản hồi của thị trường; tích hợp và minh bạch thông tin về điểm đến, lưu trú, lữ hành, giá cả và nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ du lịch bằng dữ liệu giám sát thường xuyên; nâng cao năng lực quản lý nhà nước thông qua phản ánh của thị trường; nâng cao chất lượng hệ sinh thái du lịch và nâng cao năng lực ngành Du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể và hiệu quả.
Ba là, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao để trở thành sản phấm thế mạnh: tập trung đẩy mạnh du lịch biển, đảo trở thành sản phẩm mũi nhọn (Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa); du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Vườn quốc gia Bến En) và du lịch văn hóa (Di sản Thành Nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh, quần thể di tích văn hóa Hàm Rồng, đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn…). Cùng với đó, du lịch tâm linh, du lịch MICE, du lịch làng nghề… được xây dựng trở thành những sản phẩm bổ trợ. Ngoài ra, hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch quốc gia, địa phương và đô thị.
Du lịch Thanh Hóa cần nghiên cứu đầu tư làng du lịch hoặc resort du lịch sinh thái cao cấp tại khu vực Pù Luông (Bản Đôn, Bản Hiêu, Bản Kho Mường); khu tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại khu vực ven biển huyện Quảng Xương hoặc tại thành phố Thanh Hóa. Đến năm 2025, tập trung khai thác du lịch tàu biển, phát triển các sản phẩm dành riêng cho khách du lịch tàu biển, qua đó đầu tư cảng tàu du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật.
Ngoài ra cần chú trọng đầu tư một số sản phẩm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường; hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; thẻ du lịch đa năng và phần mềm thuyết minh du lịch tự động...
Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục, liên kết mở đường bay thẳng charter Thanh Hóa với một số nước trong khu vực Châu Á; quy hoạch, đầu tư phát triển giao thông, thông tin, truyền thông, cấp thoát nước, môi trường đảm bảo đồng bộ; đầu tư phát triển hạ tầng xã hội văn hóa, y tế, giáo dục; phát triển đồng bộ, đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí, đi lại tham quan.
Bốn là, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế xây dựng một số nhà hàng, khách sạn thông minh, trong đó ứng dụng những sản phẩm đặc biệt từ cuộc CMCN 4.0 vào hệ thống buồng, sảnh khách sạn như: hệ thống “bật”- “tắt” thông minh, hệ thống sensor nhiệt, hệ thống camera thông minh, công nghệ 3D và công nghệ thực tế ảo… nhằm mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu của các du khách, nhất là du khách nước ngoài.
Năm là, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch dựa trên sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Du khách có thể tìm hiểu thông tin các điểm đến du lịch Thanh Hóa thông qua một chiếc Smartphone có kết nối Internet, dễ dàng đặt các dịch vụ mà không cần đến trực tiếp các công ty du lịch. Đây là một cơ hội tốt để tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch trong bối cảnh công nghệ kết nối vạn vật.
Sáu là, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn; thực hiện chiến dịch truyền thông trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường và phát triển du lịch; xây dựng các điểm mua sắm, nhà hàng, các hãng taxi, xe điện vận chuyển khách du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...
Bảy là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng.
Để phát triển du lịch, Thanh Hóa cần tư duy thoát khỏi lối mòn với ý tưởng, hệ thống cũ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của CMCN 4.0, Thanh Hóa cần hiểu rõ những tác động của nó đối với hoạt động du lịch. Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển du lịch và các giải pháp cụ thể nhằm tận dụng những cơ hội và đối mặt với những thách thức mà CMCN 4.0 mang lại.
Tài liệu tham khảo
1. Học viện Chính trị Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - Viện Kinh tế (2017), Tài liệu Hội thảo: Cách mạng công nghiệp 4.0 với tăng trưởng của Việt Nam, Hà Nội ngày 23/11/2017.
2. ThS. Phan Thị Hải Yến, PGS.TS. Phạm Trung Lương, “Cách mạng công nghiệp 4.0 với phát triển du lịch”, Tạp chí Du lịch số 9 năm 2018.
3. http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32590502-thoi-co-va-thach-thuc-tu-cach-mang congnghiep-4-0.html
4. http://baodulich.net.vn/Nganh-du-lich-truoc-ky-nguyen-cong-nghiep-40-09 11311.html
|
TS. Vũ Văn Tuyến - ThS. Nguyễn Thị Giang