Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ tối đa các tỉnh thành phía Nam
Để hỗ trợ kịp thời các tỉnh, thành phố phía Nam triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội cần thiết trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trực tiếp chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận người lao động, người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về các địa phương và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; không để tình trạng phải chờ đợi, quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài, gây bức xúc cho người dân; có kế hoạch cụ thể bố trí chuyên chở, thực hiện các quy định về cách ly, phòng chống dịch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác theo tinh thần hỗ trợ tối đa, không gây khó khăn, phiền hà cho người lao động, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Bảo đảm nguồn hàng hóa, nhu yếu phẩm đầy đủ, dồi dào và vận chuyển kịp thời từ các địa phương đến Thành phố để phục vụ đời sống của người dân, không để tình trạng thừa, thiếu cục bộ hoặc ứ đọng, không kịp thời vận chuyển, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm đến nơi sử dụng và người dân; bảo đảm các hoạt động giao thông vận tải thuận tiện, thông suốt giữa các địa phương và thành phố đối với các hàng hóa phục vụ cho các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cần thiết; đồng thời, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh theo quy định.
Rà soát, phân bổ kịp thời, ưu tiên các nguồn vaccine cho TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam để thực hiện tốt chiến dịch tiêm vaccine một cách khoa học, hợp lý, an toàn, hiệu quả và kịp thời cho các đối tượng theo quy định, trong đó lưu ý bổ sung đối tượng ưu tiên là những người lao động phục vụ trong các lĩnh vực vận tải, vận chuyển, phân phối các hàng hóa, nhu yếu phẩm giữa các địa phương và thành phố hoặc công nhân làm việc tại các doanh nghiệp tập trung, khu công nghiệp, cảng biển, các dịch vụ logistics quan trọng, thiết yếu và các đối tượng cần thiết khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành chia sẻ, hỗ trợ tối đa, ưu tiên nguồn vaccine và các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố phía Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm ổn định đời sống của người dân, sớm đưa TP. Hồ Chí Minh cùng các địa phương có dịch trên cả nước trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường.
Bộ Y tế chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành Y tế đã đưa ra tất cả các chỉ đạo, kịch bản cho việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú ý việc xét nghiệm để phát hiện sớm các ca bệnh.
Hiện Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải tăng công suất xét nghiệm, thay đổi chiến lược xét nghiệm sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để có thể tầm soát phát hiện những trường hợp lây nhiễm COVID-19 ở cộng đồng để tách ra ngay khỏi cộng đồng nhằm giảm lây nhiễm tại cộng đồng.
Về điều trị được chia làm 3 tầng. Theo đó, với bệnh nhân không có triệu chứng được điều trị tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ban đầu, những đòi hỏi về mặt y tế ở mức độ trung bình. Với các bệnh nhân có triệu chứng và có thể tiến triển thành bệnh nhân nặng thì điều trị các cơ sở y tế, các cơ sở này từ bệnh tuyến huyện trở lên. Với bệnh nhân nặng, nguy kịch, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các địa phương thành lập đơn nguyên hay trung tâm hồi sức tích cực để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Song song với việc đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại các khu vực hình thành các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch để có thể thực hiện tất cả các biện pháp chuyên môn kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh nhân.
Bộ Công thương thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa
Trước yêu cầu cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cuộc sống của người dân tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công thương đã quyết định lập Tổ công tác tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho các địa phương trong bối cảnh Thủ tướng vừa quyết định áp dụng chỉ thị 16 cho các tỉnh phía Nam. Tổ công tác làm nhiệm vụ thường trực tại khu vực phía Nam, theo dõi sát, nắm bắt nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cũng như kiểm soát tình hình giá cả thị trường, xử lý các trường hợp đầu cơ tăng giá trục lợi, tham mưu, thực hiện các biện pháp để giải quyết, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam. Trong bối cảnh áp dụng chỉ thị 16 trên diện rộng, việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân còn khó khăn, công tác tổ chức phân phối hàng hóa bị ảnh hưởng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã khuyến cáo với TP.HCM và các tỉnh phía Nam có giải pháp cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống. Tuy nhiên, để đảm bảo vừa tổ chức phân phối vừa phòng dịch, việc mở lại các chợ truyền thống cần đáp ứng ba điều kiện, gồm: chỉ bán hàng hóa thiết yếu như rau củ quả và hàng hóa tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như 5K, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng... và thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.
Các địa phương chủ động chống dịch
Trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành miền Nam, ít người vào chợ và siêu thị. Nhiều tuyến đường vắng người qua lại. Sau Quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ ở 19 tỉnh, thành phía Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ngay lập tức ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, Bạc Liêu vẫn cho phép các chợ truyền thống, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, thiết yếu hoạt động. Điều này chứng tỏ, hàng hóa sẽ không bị thiếu hụt. Sau khi có thông tin này, hầu hết người dân thở phào nhẹ nhỏm, và dặn nhau cần bình tĩnh trước quá nhiều thông tin. Theo đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tinh thần chung là vẫn đảm bảo duy trì các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, nhất là lương thực, thực phẩm và thuốc điều trị bệnh. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vẫn cho phép tiếp tục duy trì hoạt động các chợ truyền thống (để bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, riêng các chợ tự phát phải dừng hoạt động), các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã được cấp phép, song phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu phòng chống dịch, nhất là 5K.
An Giang cũng đã chủ động với tình huống toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16. Tỉnh An Giang chỉ đạo triển khai những cửa hàng 0 đồng phủ khắp các xã, phường, thị trấn. Trước giờ áp dụng Chỉ thị 16, cán bộ khóm, ấp đã phát giấy đi chợ ngày chẵn, lẻ cho từng hộ dân để giảm áp lựctại các chợ truyền thống. Ngư��i dân không được dùng phiếu này để làm “giấy thông hành” khi ra đường.
Tại Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương đã chủ động phương án khi áp dụng Chỉ thị 16. Ngày 18/7, cán bộ khóm tại TP. Sóc Trăng đã đến nhà dân để phát phiếu đi chợ. Gia đình nhận phiếu màu vàng sẽ cử người đi chợ 7 lần vào các ngày lẻ từ 19-31/7; phiếu màu vàng có 6 lần trong những ngày chẵn và 1/8. Việc quy định ngày chẵn lẻ để giảm 50% lượng người vào chợ mỗi ngày. Việc này được áp dụng với các chợ truyền thống, còn chợ nhóm nhỏ lẻ sẽ dừng hoạt động trong 2 tuần giãn cách. “Hàng hóa không khan hiếm, bà con không nên có tâm lý hoang mang đi gom hàng về dự trữ. Việc làm này có thể khiến một số người lợi dụng tăng giá bán, găm hàng, làm mất trật tự xã hội vì tập trung đông người. Bà con an tâm, người dân vẫn đi chợ nhưng có sự giãn cách, hạn chế ra ��ường, vào chợ thì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, do tỉnh có địa bàn phức tạp, giáp Campuchia, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Bình Dương, nơi đang có dịch COVID-19 phức tạp, công tác phòng, chống dịch càng phải quyết liệt hơn. Trước khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, địa phương giao Sở Công Thương chủ trì với các sở, ngành liên quan, đảm bảo tốt nhất cuộc sống của người dân, nhất là khu vực phong tỏa. Đầu tiên phải đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, không để bất cứ ai thiếu đói. Ngoài ra, các sở ngành liên quan phải thường xuyên kiểm tra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tăng giá, gom hàng trục lợi trong thời gian giãn cách.
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang ở mức nguy cơ rất cao, đã xuất hiện các ổ dịch chưa rõ nguồn lây, có khả năng lan rộng trong cộng đồng. Ông đã chỉ đạo toàn tỉnh thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16. Tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các ngành chức năng và địa phương bảo đảm việc lưu thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; xử lý nghiêm các hành vi gom, găm hàng, đầu cơ, nâng giá.
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang đang duy trì các kênh phân phối hàng hóa thông qua siêu thị và chợ truyền thống. Tuy nhiên, chợ truyền thống phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nếu không đảm bảo sẽ cho ngưng hoạt động trong 2 tuần giãn cách. Chủ tịch cấp huyện có phương án hướng dẫn người dân đi chợ ngày chẵn, lẻ và khung giờ để bà con không tập trung đông người. Đối với người chở hàng hóa trên sông tại Kiên Giang sẽ được các chốt kiểm soát test nhanh nCoV. Người dân chạy xuồng máy đi chợ cũng phải mang theo giấy ghi ngày chẵn, lẻ để trình với chốt kiểm soát COVID-19.
Thanh Hiền
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ