Theo TS. Bùi Doãn Nề, trước đại dịch, hàng năm doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân từ 15% - 20%. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 tới nay, lỗ về hoạt động hàng không của 3 hãng khoảng 16.000 tỷ đồng.
“Năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền đợt 4 vào dịp hè khiến doanh thu hàng không sụt giảm mạnh (riêng tháng 5 và 6 doanh thu giảm 80-90% so với cùng kỳ năm 2020). Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiếu trong mùa dịch, các hãng phải chi phí trên 100 tỷ đồng/ngày”, ông Nề cho hay.
Khó khăn nhất đối với các hãng hàng không là nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn. Bên cạnh đó, việc áp dụng giãn cách xã hội ở nhiều địa phương thời gian qua khiến nhu cầu đi lại tiếp tục giảm mạnh, trong khi chi phí phòng dịch của các hãng hàng không và các doanh nghiệp dịch vụ hàng không tăng cao. Khó khăn này buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, điều này khiến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi phục hồi là rất rõ rệt.
“Trong văn bản đề xuất, kiến nghị VABA gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư mới đây đã nêu rõ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó nội dung quan trọng là đề xuất triển khai tiêm vaccine phòng dịch trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine”, ông Nề nói và cho biết, VABA đề nghị xem xét nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine, từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm phòng đầy đủ và nghiên cứu kế hoạch sớm triển khai mở lại các đường bay quốc tế.
Một nội dung quan trọng trong văn bản kiến nghị là đề xuất mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không. Đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 02 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.
Đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển. Đồng thời, cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/05/2020 cả Chính phủ.
Ông Nề cũng cho biết, hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường hàng không áp dụng cho năm 2021 là 2.100 đồng/lít (tương đương mức giảm 30%). Tuy nhiên, với những diễn biến và thiệt hại khó lường của đại dịch COVID-19, dòng tiến, nguồn lực tài chính của các hãng hàng không bị cạn kiệt. Do vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet Al xuống còn gần 1.000 VND/lít cho các hãng hàng không đến 30 tháng 06 năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tucj đề nghị giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay đi du lịch.
Việt Hùng