Tại quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, các thành viên đã tới dâng hương anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi; nghe lãnh đạo Ban quản lý di tích giới thiệu tổng quan cùng những giá trị hiện còn lưu giữ tại quần thể di tích, thưởng thức đặc sản trà sen Kiếp Bạc, bánh đậu xanh Hải Dương... Các thành viên đặc biệt xúc động, nhất là những người lần đầu tiên được đến thăm địa danh lịch sử, gắn liền với các cuộc chiến tranh bảo vệ sơn hà, xã tắc tự cổ chí kim. Qua đó, những vị khách được hiểu thêm về hào khí Đông A và thêm tự hào về tinh thần thượng võ cùng truyền thống yêu nước của ông cha ta. Các thành viên đoàn cũng vô cùng ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên khi được đắm mình trong không gian văn hóa, núi rừng Côn Sơn hùng vĩ, lên Bàn Cờ Tiên và Ức Trai Linh từ, Côn Sơn - Kiếp Bạc...
Tại Di tích, danh thắng Quốc gia Đảo Cò Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện), các vị khách được tham quan, trải nghiệm toàn bộ khu sinh thái bằng thuyền. Mọi người đều ngỡ ngàng, lưu luyến chẳng muốn rời khi thấy tỉnh Hải Dương vẫn giữ được một không gian văn hóa mênh mông, thanh bình đẹp đến nao lòng. Di tích danh thắng Đảo Cò hiện đã được cải tạo nâng cấp, toàn bộ các đảo đã được kè bờ chắc chắn và trồng thêm nhiều cây, tạo không gian môi trường cho cò vạc, chim chóc về làm tổ, sinh sản. Vì vậy, mà số lượng cò vạc về Đảo Cò sinh sống ngày càng nhiều, buổi tối có tới hàng chục vạn, làm xáo động một vùng.
Cũng trong chuyến đi, các vị khách được trải nghiệm tại vùng trồng vải xuất khẩu Viet GAP của huyện Thanh Hà. Tại đây, các thành viên đã tham quan Cây vải tổ (thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn); giao lưu với những người nông dân trồng vải, nghe giới thiệu về sản phẩm vải thiều đang chuẩn bị thu hoạch...
Tới Công ty gốm Chu Đậu, các thành viên vô cùng thích thú khi được tận mắt tham quan dây chuyền chế tác các sản phẩm thuộc dòng gốm cổ, vốn đã nổi tiếng trong nước và thế giới; nghe giới thiệu và các loại sản phẩm hiện nay do công ty sản xuất, chủ yếu là các dòng gốm phục cổ theo nguyên mẫu từ cách đây trên 600 năm, xuất khẩu đi hàng chục nước, là quà tặng du lịch ý nghĩa và giá trị...
Kết thúc chương trình, đoàn tham quan Bảo tàng Hải Dương hiện nay đang lưu giữ hàng vạn hiện vật có giá trị, trải suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam nói chung và của tỉnh Hải Dương nói riêng. Tại đây có các không gian văn hóa “Bếp Việt”, làm gốm sứ, dụng cụ sinh hoạt xưa…phục vụ cho trải nghiệm. Các thành viên thực sự hào hứng khi trực tiếp trải nghiệm sản phẩm gốm và tiếp cận với các công việc như; xay lúa, giã gạo, giần, sàng thóc gạo….
“Du lịch Hải Dương thân thương, quyến rũ”! đó là phương châm xuyên suốt của tỉnh. Có thể khẳng định, chuyến trải nghiệm này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các vị khách cùng HLV, VĐV, qua đó tạo không khí phấn khởi, thoải mái trong những ngày thi đấu bóng bàn tại Hải Dương, đặc biệt là các trận đấu còn lại trong khuôn khổ Đại hội.
Cùng với thủ đô Hà Nội và các địa phương được vinh dự đăng cai tổ chức thi đấu các môn của SEA Games 31, tỉnh Hải Dương đã và đang làm những gì tốt nhất, thể hiện trách nhiệm cao đối nhất với quốc gia, góp phần vào thành công trong tổ chức SEA Games 31, thông qua đó giới thiệu về mảnh đất và con người Việt Nam trong đó có Hải Dương.
Phạm Chức - Phùng Tuệ - Nguyễn Trường