Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), “làn sóng” đầu tư vào sân golf thực sự “bùng nổ” ngay từ đầu năm 2007, với hàng loạt dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chỉ trong tháng 3/2007 đã có hơn 10 dự án đầu tư sân golf được cấp phép như dự án sân golf 36 lỗ Củ Chi (100% vốn nước ngoài) do Công ty GS Engineering & Contruction (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện 200 ha, tổng vốn đầu tư 42,6 triệu USD, tại khu đô thị Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm…
Sôi động nhất trong việc thu hút đầu tư sân golf là TP. Đà Nẵng, với các dự án sân golf 18 lỗ (tiêu chuẩn quốc tế loại A) của Công ty Cổ phần sân golf Indochina, tổng vốn đầu tư gần 38 triệu USD, hoạt động trong vòng 50 năm, diện tích 78,35ha tại Điện Ngọc. Cùng thời điểm, Công ty Lado Filter Engineering đã đầu tư12 triệu USD xây dựng sângolf Bà Nà tại Đà Nẵng. Bên cạnh sân golf Bà Nà, Đà Nẵng còn có dự án xây dựng khu nghỉ mát và sân golf Hòa Hải 36 lỗ ở khu vực ven biển Ngũ Hành Sơn của Tập đoàn VinaCapital.
Khu vực miền Trung còn có dự án xây dựng sân golf Sea Links Golf & Country Club Phan Thiết với diện tích 134ha, do Công ty Xây lắp Rạng Đông đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng khu vực phía Tây TP. Huế với tổng diện tích 439,3ha, trong đó có dành diện tích xây dựng sân golf 36 lỗ là 136ha.
Trong khi đó, khu vực miền Bắc cũng không kém phần sôi động, với các dự án sân golf có quy mô lớn. Đó là dự án xây dựng khu du lịch hồ Đồng Thái (trên diện tích 2185ha) và trung tâm du lịch thể thao sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng (trên diện tích 740ha) tại địa bàn 4 xã thuộc huyện Yên Mô (Đông Sơn, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Thành) và TX. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Dự án này do Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tư vấn đầu tư (Inconess) đầu tư, tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD. Theo Inconess, sau khi hoàn thành, đây có thể xem là sân golf lớn nhất Việt Nam. Cùng với khu du lịch sinh thái, sân golf này sẽ góp phần đón khách du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Bình. Dự án chia làm 3 giai đoạn và đã khởi công trong tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành giai đoạn cuối cùng vào năm 2015.
Bên cạnh đó, một dự án xây dựng sân golf khác tại Hải Phòng cũng sắp được triển khai. Đó là dự án xây dựng sân golf Thuỷ Nguyên do Công ty Mibaek Industrial (Hàn Quốc) là chủ đầu tư. Với tổng vốn đầu tư 17,3 triệu USD, nhà đầu tư sẽ xây dựng một sân golf 27 lỗ và các công trình phụ trợ liên quan. Dự kiến dự án này sẽ khởi công trong tháng 9/2007 và sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2008.
Tại Hòa Bình, Công ty East Asia Air Express đã đầu tư Trung tâm Thể thao giải trí sân golf Lương Sơn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 20 triệu USD, trên diện tích 300ha
Ngoài ra, dự án xây dựng tổ hợp sân golf diện tích 1.000ha tại khu hồ Yên Trung (TX. Uông Bí, Quảng Ninh) cũng đang triển khai gồm các công trình: tổ hợp 6 sân golf; sân tập golf; trung tâm du lịch lữ hành quốc tế; câu lạc bộ golf với 40 phòng khách cao cấp; 2.000 đến 2.500 căn biệt thự sang trọng; 300 căn biệt thự song lập...
UBND TP. Hà Nội mới đây cũng đã thống nhất chủ trương xây dựng dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Thanh Trì. Theo đó, Tổ hợp được chia thành các khu vực chính: sân golf, du lịch, nghỉ dưỡng, công viên cây xanh, Theo quy hoạch tại đây có 1 sân golf 36 lỗ, diện tích từ 190 ha đến 296 ha (chiếm tối đa 39% diện tích toàn bộ dự án). Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tại Hà Tây, một công ty của Hàn Quốc đang xúc tiến dự án sân golf 36 lỗ tại hồ Văn Chương (huyện Chương Mỹ), với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD…
Có thể thẩy, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, trên địa bàn cả nước sẽ có thêm hàng loạt sân golf đi vào hoạt động. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với quảng bá thu hút khách du lịch, đặc biệt là dòng khách thương gia, khách cao cấp.
NGUYỆT ÁNH