Huyện Đông Anh là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, truyền thống yêu nước, cách mạng và anh hùng. Nơi đây nổi tiếng với địa danh Cổ Loa - mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt, với 413 di tích mang giá trị tiêu biểu về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa; 93 lễ hội dân gian và nhiều các bộ môn nghệ thuật truyền thống...
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh cho biết: Trong những năm gần đây, việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch ngày càng được coi trọng, biến di sản thành tài sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ nhu cầu của đông đảo các du khách thập phương theo tinh thần Nghị quyết khóa 28 của Đảng bộ huyện Đông Anh giai đoạn 2015 - 2020.
Riêng xã Thuỵ Lâm cũng có nhiều di tích lịch sử được nhiều du khách biết đến như khu di tích lịch sử đền Sái, lễ hội rước vua giả và đặc biệt là nghệ thuật múa rối nước dân gian Đào Thục. Phường múa rối nước làng Đào Thục ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước đã có gần 300 năm nay, và đã đi biểu diễn khắp các tỉnh, thành phố trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Hướng tới mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tới làng Đào Thục và huyện Đông Anh, chương trình bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích du lịch đem lại, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn xã Thuỵ Lâm. Lớp bồi dưỡng đã nghe TS. Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Ủy ban dân tộc Trung ương chia sẻ về khái niệm du lịch, nhu cầu của khách du lịch, những nội dung về thái độ phục vụ du khách, khai thác sản phẩm và giữ chân du khách, vấn đề an toàn, vệ sinh môi trường, gìn giữ giá trị sinh thái…
Tại lớp bồi dưỡng, gần 80 bà con nhân dân xã Thụy Lâm là nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại các điểm du lịch đã chia thành hai nhóm thảo luận làm rõ hai nội dung: thế mạnh tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch tự nhiên của địa phương. Theo đó, làng Đào Thục cũng như xã Thụy Lâm đã có sẵn những tiềm năng hấp dẫn du khách như: các di sản văn hóa tâm linh, các lễ hội truyền thống độc đáo (thi nấu cơm, kén rể, hội vật…); những cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng, nhiều hàng nông sản phong phú và chất lượng được trồng ở những bãi phù sa sông Cà Lồ; có nhiều nhà cổ đáp ứng được lưu trú homestay cho du lịch. Bên cạnh đó, du lịch bằng đường sông trên sông Cà Lồ cũng là sản phẩm thú vị dành cho du khách trải nghiệm thưởng ngoạn cảnh quan và câu cá trên sông...
Theo ông Nguyễn Thế Nghị - Trưởng phường múa rối nước Đào Thục cho biết: Hiện nay khách du lịch về với Đào Thục càng ngày càng tăng, trong khi nghệ nhân vốn là những người nông dân thuần tuý chưa được va chạm với du lịch nên thường bị động khi có đông du khách. Chương trình bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng này là cơ hội giúp bà con hiểu thêm và nhận thức về du lịch để có thể thu hút du khách về đông hơn.
Hiện nay, mong muốn của bà con nhân dân và nghệ nhân Đào Thục là có được sự quan tâm hơn nữa của tất cả các ban ngành đoàn thể đối với nghệ thuật dân gian múa rối nước; đồng thời có một tuyến xe bus chạy từ trung tâm thành phố về thẳng làng Đào Thục, từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách hơn, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Hoa Trang