Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến 8h30 ngày 25/2/2020, Hàn Quốc đã ghi nhận 893 trường hợp mắc trong đó có 8 trường hợp tử vong và là quốc gia có số trường hợp mắc cao nhất ngoài Trung Quốc.
Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường hợp). Trong đó, có nhiều trường hợp mắc không xác định được nguồn lây nhiễm do đó khó khăn trong việc xử lý triệt để ổ dịch. Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch COVID-19 lên mức cao nhất, đồng thời đưa thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang là hai khu vực cần có sự quan tâm đặc biệt về dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta; ngày 24/02/2020, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã họp và thống nhất áp dụng các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch đối với các khu vực có dịch tại Hàn Quốc.
Thực hiện kết luận tại phiên họp của Ban chỉ đạo Quốc gia; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc, phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và những người đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang để tổ chức cách ly y tế kịp thời.
Tất cả những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được phát hiện tại cửa khẩu phải lập tức cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh phải được cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh, thành phố. Các nội dung liên quan khác về cách ly tập trung được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07/02/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời rà soát thông báo cho chính quyền địa phương các trường hợp nhập cảnh từ Hàn Quốc, đặc biệt các trường hợp đến từ hoặc đi qua khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 09/02/2020 để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời cách ly theo hướng dẫn.
Người trở về từ khu vực khác ngoài khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc thì khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe và thông báo, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được cách ly, điều trị nếu có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở.
Bố trí phiên dịch 3 ngôn ngữ hỗ trợ công tác kiểm dịch y tế
Bộ Y tế cũng vừa có Công văn số 865/BYT-DP về việc bố trí phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc hỗ trợ công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu để phòng chống dịch COVID-19 đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc và có nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai Tờ khai y tế đối với tất cả người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc.
Trong quá trình triển khai áp dụng Tờ khai y tế bằng 03 ngôn ngữ: Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc, do hầu hết các cửa khẩu hiện đang thiếu/không có các cán bộ có thể đọc, hiểu được 03 ngôn ngữ trên nên đã gây khó khăn, trở ngại cho các đơn vị tại cửa khẩu trong việc sàng lọc các trường hợp về từ vùng có dịch để cách ly, thực hiện các biện pháp kiểm dịch y tế đối với hành khách nghi ngờ mắc bệnh, người tiếp xúc gần ngay tại cửa khẩu, cũng như việc quản lý, theo dõi hành khách nhập cảnh sau này tại địa phương.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo bổ sung Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ làm thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh (ở nơi chưa phải là thành viên Ban Chỉ đạo), đồng thời giao làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan huy động và cử các cán bộ có khả năng phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc đến làm việc tại cửa khẩu để hỗ trợ các đơn vị Kiểm dịch y tế trong việc hướng dẫn người thực hiện khai báo y tế, sàng lọc tờ khai y tế cũng như thực hiện các biện pháp kiểm dịch theo quy định. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo đảm bảo đủ số lượng cán bộ hỗ trợ để thực hiện theo nội dung tờ khai.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị Kiểm dịch y tế tại cửa khẩu thực hiện các thủ tục cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ hỗ trợ ngôn ngữ làm việc tại cửa khẩu, hoàn thành nhiệm vụ.
Nguồn: suckhoedoisong.vn