Lễ hội tại Bình Thuận
- Lễ Tả Tài Phán (Nghi lễ Cầu an) có quy mô lớn của người Nùng, Tày, Hoa ở thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, diễn ra trong 3 ngày vào dịp Tết cổ truyền của người Kinh (đầu tháng 1 dương lịch). Qua nhiều nghi thức và qua cách thực hiện hành lễ đã thể hiện nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người Nùng, Tày, Hoa, thể hiện lòng quyết tâm vượt khó khăn, nguy hiểm, tiếp thêm sức mạnh giúp con người đạt được mọi điều tốt lành trong cuộc sống, đồng thời giải thoát cho những vong linh được siêu thoát. Nội dung nghi lễ đã góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm cho bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Lễ ăn mừng đầu lúa (Tết ăn lúa mới tộc người Raglai và Cơ Ho) diễn ra gần dịp Tết nguyên đán người Kinh tại các xã Phan Điền, Phan Sơn, Phan Lâm (huyện Bắc Bình). Theo tín ngưỡng dân gian, tộc người Raglai và Cơ Ho thờ thần đá, thần núi; coi trọng cây lúa, cây bắp và hoa màu khác, họ cho rằng loại hoa màu có linh hồn như con người. Do vậy, cứ vào đầu mùa trước khi thu hoạch hoặc sau khi thu hoạch đều làm lễ cúng mừng để cầu mong cho lúa, bắp tốt tươi, năng suất cao sau vụ mùa. Nghi lễ mừng lúa mới của người Cơ Ho và Raglai ở Bắc Bình đã trở thành nét đẹp truyền thống, thể hiện tính tôn nghiêm trong lễ nghi, gìn giữ và phát huy các giá trị tinh thần, phong tục tập quán vốn có từ lâu đời của ông bà, tổ tiên để lại.
Lễ Đản sinh Phật bà Quan âm diễn ra trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm, tại miếu Quan Âm thuộc xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình nhằm tạ ơn thánh Quan Âm đã phù hộ độ trì dân chúng tai qua nạn khỏi, mưa thuận gió hòa và phúc lộc thọ toàn. Lễ Đản sinh Phật bà Quan Âm hàng năm thu hút đông đảo cộng đồng người Nùng, Hoa từ các nơi về tham gia tế lễ cầu mong thánh Quan Âm ban phước lành, làm ăn phát tài, cuộc sống no ấm và an bình.
Lễ Bỏ mả thường được tổ chức vào khoảng tháng 3, tháng 4 dương lịch, thời điểm chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của tộc người Raglai. Lễ bỏ mả tập trung nhiều loại hình nghệ thuật như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, múa, trình diễn... với mục đích tiễn đưa người chết về “thế giới bên kia”; đồng thời “giải thoát” mọi sự ràng buộc của người sống đối với người chết.
Trong lễ bỏ mả, vai trò âm nhạc dân gian được thể hiện rõ nét. Già làng, thanh niên đánh mã la, thổi khèn bầu, hát trường ca, uống rượu cần cầu mong cho linh hồn người chết được siêu thoát.
Lễ hội Katê là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận nói chung và người Chăm Hàm Thuận Bắc nói riêng. Lễ hội Katê được tổ chức hàng năm vào tháng 7 theo lịch của người Chăm, tại tháp Pô Sah Inư có quy mô lớn thu hút đông đảo bà con người Chăm, khách thập phưong đến hành lễ và tìm hiểu.
Lễ hội Nghinh Ông có truyền thống lâu đời của người Việt gốc Hoa tại thành phố Phan Thiết, được tổ chức để thờ cúng và tưởng nhớ Quan Công. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày trung tuần tháng 7 âm lịch vào các năm chẵn, mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội Nghinh Ông diễn ra theo nghi thức truyền thống, nghi thức quan trọng vẫn là Quan thánh xuất du với gần 1.000 người tham gia du hành trên khắp các đường phố chính của thành phố Phan Thiết.
Hiệu quả phát triển và quảng bá du lịch từ lễ hội
Lễ hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã mở ra tiềm năng phát triển du lịch. Từ lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm trên sông Cà Ty, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Katê, Ramưwan của người Chăm đến lễ hội Dinh Thầy Thím… Đặc biệt, Bình Thuận trở thành một điểm đến lý tưởng của du khách khi Lễ hội Nghinh Ông đã được nâng tầm quy mô tổ chức thành một ngày hội du lịch lớn.
Từ năm 2007 đến nay, Lễ hội Dinh Thầy Thím được tổ chức với sự đầu tư khá quy mô và nhiều chương trình sinh động, thu hút ngày càng đông khách trong tỉnh và ngoài tỉnh đến viếng lễ và tham gia các hoạt động hội. Là lễ hội kết hợp quảng bá du lịch nên có nhiều loại hình văn nghệ, thể thao, trò chơi được tổ chức như chạy việt dã, thi gánh cá, bóng chuyền bãi biển, leo dốc Ông Bằng...; đặc biệt là kịch bản sân khấu hóa sự tích Thầy - Thím, và chương trình văn nghệ dân gian đặc sắc diễn ra trong những ngày diễn ra lễ hội.
Bên cạnh đó, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Thuận năm 2012 là sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế. Sự kiện đã tạo ra một loại hình thể thao du lịch mới, tạo nên sự khác biệt đặc trưng riêng cho Du lịch Bình Thuận. Đây cũng là cơ hội để phát triển sản phẩm, liên kết du lịch, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Du lịch Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.
Có thể thấy, với nguồn di sản văn hóa phi vật thể lễ hội phong phú, Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển và quảng bá du lịch từ lễ hội.
TS. Nguyễn Thị Phương Lan