(Tạp chí Du lịch) - Nhằm tổng quan lại quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; đồng thời để làm rõ và sâu sắc hơn từ những luận cứ khoa học, bài học thực tiễn và những định hướng giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong thời gian tới, ngày 11/8, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh và trực tuyến đến 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh với sự tham dự của 13.000 đại biểu.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe trực tiếp các tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Bình Phước liên quan đến các nhóm vấn đề chính: Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; Phát huy giá trị văn hóa và Giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Bình Phước và những vấn đề đặt ra.
Những báo cáo tham luận này đã bao quát các lĩnh vực về văn hóa, con người Bình Phước. Qua đó làm rõ và sâu sắc hơn từ những luận cứ khoa học, bài học thực tiễn và những định hướng giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế về văn hóa và con người Bình Phước. Minh chứng là những kết quả của Bình Phước có được sau 25 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là những kết quả của nhiệm kỳ này về đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, qua nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương là căn cứ để Bình Phước đưa ra giải pháp và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước; giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của văn hóa trong quá trình phát triển của tỉnh. Từ đó, xem văn hóa là nguồn lực, động lực để phát triển và đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cho lĩnh vực này trong tình hình mới. Đặc biệt, xây dựng được tính tự nguyện, tự quản, tự giác trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đối với mỗi người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh phải xác định bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Bình Phước sở hữu 45 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và 41 thành phần dân tộc anh em, đây là một lợi thế rất lớn về di tích, văn hóa vật thể, phi vật thể.
Tiếp thu và phát biểu kết luận tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Hội nghị hôm nay là động lực lớn đủ sức thuyết phục để tỉnh ban hành những nghị quyết xứng tầm với tiềm lực văn hóa của tỉnh trong thời gian tới. Và sẽ trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị tạo ra những hành động thiết thực để xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ mới. Đồng thời, là cơ sở để tỉnh định vị lại vai trò, vị thế văn hóa của tỉnh trong vùng không gian văn hóa khu vực, xứng tầm với nội lực lĩnh vực văn hóa hiện nay.
PV