.jpg)
Nếu có dịp đến miền cổ tích, chốn thiên đàng trời nước này, bạn đừng vào các khách sạn bê tông, các re-sort hoa chăm cỏ xén vội, mà hãy tìm đến một thiên đàng đích thực mà trời đất đã ban cho loài người kia. Những hòn đảo, những “đường đi”, những “con sóng” và các kỳ quan làm bằng đá, bằng san hô, được nhuận sắc bởi màu xanh mê mải của đại dương ở nơi có quá ít sự hiện diện của con người. Quá nhiều đảo còn hoang vắng dấu chân người, không có cư dân sinh sống. Tôi xin thề, nếu bạn đã một lần ghé qua thì lập tức bị ám ảnh bởi nhan sắc của đá, của rực rỡ san hô ven biển, của trời nước và rừng xanh miên man từng đoàn cá và chim thú sum vầy. Trong 18 đảo của QĐ An Thới, chỉ có 5 đảo có cư dân sinh sống; tương tự, con số này ở QĐ Hải tặc là 6/16 ; ở QĐ Bà Lụa là 10/hơn 40 (!)… Nhiều đảo chỉ có 1 gia đình Rô-bin-sơn cư ngụ suốt nhiều thế hệ, có khi suốt cả thế kỷ qua.

Những cái tên ở vùng đất rất rất nhiều các hòn đảo kỳ bí này cũng rất lạ, rất gợi trí tò mò. “QĐ Hải tặc” mang tên cướp biển chính thức trên bản đồ của chúng ta hiện nay, được/ bị sử sách ghi danh, bia bê tông có chữ “Quần đảo Hải tặc” vẫn dựng tại đảo Hòn Đốc đến hôm nay, các nạn nhân của cướp biển vẫn tàn tật sống trên đảo. Nhưng “kẻ cướp” lại được đặt cạnh “bà già” (QĐ Bà Lụa).

Có hòn Rái, hòn Bỏ Áo lại có cả hòn Dâm, có đảo Hòn Thơm tràn ngập mùi phấn hương do số lượng khổng lồ gái mại dâm phục vụ các tài công thủy thủ đi biển ghé qua “giải trí” khiến chính quyền cơ sở đau đầu chóng mặt rồi nạn HIV/AIDS tràn lan (lúc cao điểm lên tới 42 “ổ”, mỗi ổ trung bình 10 “em”).

Có đảo ở QĐ An Thới, chỉ có một gia đình ở suốt bao năm qua, trong khi anh chồng thì có vấn đề về thần kinh, chị vợ tàn tật đặt đâu ngồi đấy, hai vợ chồng và hai đứa con cùng mù chữ hằng ngày bồng bế nhau lên thuyền kiếm cá, tối lại bồng nhau về lều tạm mà sống đời Rô-bin-sơn thế kỷ 21.

Có đảo như Hòn Mây Rút, “nữ chúa” Bảy Yên cai quản đã hơn 50 năm ròng. Có đảo như Thổ Chu, từng bị tàn quân Pôn-Pốt tàn sát hơn 500 người, gần như xóa sổ cả đảo, rồi nạn cướp biển từ Thái Lan và Campuchia tràn sang vào những năm 1980. Ở Thổ Chu còn bãi Ngự, bãi Dong kể về việc vua chúa phong kiến Việt Nam qua đây “tị nạn” trong những bước thăng trầm thậm khổ, có đảo Hòn Nhạn tràn ngập chim nhạn về đẻ trứng, khiến bà con chỉ việc cập tàu vào nhặt mà đem bán kiếm ăn…

Chúng tôi đã đắm đuối đi dọc nhiều hòn đảo của biển Tây mênh mông, trong nhiều ngày, và nhận ra một thiên đường khác, ngoài “thiên đường du lịch” với các tua tuyến rộng mở đón chào du khách mà ai cũng đã biết…
Thanh Thanh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch Việt Nam)