Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình bảo tồn rùa biển dựa vào cộng đồng năm 2018, hưởng ứng tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 - 8/6), ngày môi trường thế giới (5/6) và ngày đại dương thế giới (8/6) năm 2018. Các tác phẩm sau khi được hoàn thiện sẽ được trưng bày tại bãi biển, hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng của vườn quốc gia Bái Tử Long.
Mục đích của chương trình là thông qua nghệ thuật để tiếp cận đến người dân và du khách, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của rác thải nhựa trên biển, từ đó sẽ góp phần thay đổi hành vi của cộng đồng đối với việc giảm sử dụng rác thải nhựa, đặc biệt là phao xốp hiện đang được sử dụng phổ biến tại các hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực này.
Một tác phẩm từ rác trên biển (Ảnh: Báo Tài nguyên - Môi trường)
Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng gây ra những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái biển, mặc dù vật dụng bằng nhựa có nhiều công dụng và giá trị, nhưng con người đang trở nên quá phụ thuộc vào các vật dụng nhựa dùng một lần.
Hàng năm có tới 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ sinh thái rạn san hô, đe dọa hệ động vật đại dương. TTXVN dẫn báo cáo của Gs. Jenna jamberg (Đại học Georgina, Hoa Kỳ): năm 2015, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Theo báo cáo của IUCN và các đối tác, sau 3 chiến dịch thu gom rác thải tại khu vực hạ long (từ năm 2016 - 2017), số lượng phao xốp tại các đảo ở Bái Tử Long chiếm 60-80% tổng khối lượng rác thu gom được.
Phao xốp gây nguy hiểm cho môi trường, vì khi chúng bị tách ra thành những mảnh nhỏ không thể thu gom được, các loài sinh vật biển khi ăn phải phao xốp sẽ chết hoặc tổn thương. ngoài vịnh hạ long, phần lớn lượng phao xốp này thường trôi dạt từ các vùng phụ cận.
Theo baochinhphu.vn