|
Nghệ nhân Quỳnh Hoàng giới thiệu khèn bè
|
Ông được coi là “báu vật sống”, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số vùng miền Tây Thừa Thiên - Huế. Sinh ra và lớn lên ở bản làng vùng cao A Lưới, từ nhỏ, cậu bé Quỳnh Hoàng đã say mê tiếng khèn, điệu múa của người dân tộc Pahy, Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Cơ Tu. Mỗi khi bản làng vào mùa lễ hội, cậu lại quanh quẩn bên những người thổi khèn, đánh chiêng, có lúc quên cả đường về nhà. Dần dần, tiếng khèn réo rắt, trầm bổng, âm vang rừng núi đã ăn sâu vào tâm trí cậu.
Trong các loại nhạc cụ của người dân tộc ở A Lưới, khèn là loại khó làm và khó chơi nhất. Để làm được một chiếc khèn tốt, phải vào tận rừng sâu, chọn cây tre nhỏ mà thật già đem về phơi nắng một tháng. Tiếp đó là hong trên giàn bếp một thời gian cho cây tre bóng, chắc, nghệ nhân tiếp tục dán thanh đồng tạo thành hình lưỡi gà rồi mới ghép ống tre lại thành bè. Tất cả các công đoạn để hoàn thành một chiếc khèn phải mất cả tháng trời. Công phu là thế nhưng già làng Quỳnh Hoàng cho rằng: làm ra một cái khèn đã khó, nhưng để thổi ra tiếng nghe có hồn còn khó gấp bội, đòi hỏi nghệ nhân phải có cái tâm và đam mê. Trong nhà của già làng Quỳnh Hoàng vẫn còn lưu giữ nhiều loại nhạc cụ gia truyền như: khèn, trống, chiêng… Tất cả đều được ông giữ gìn như báu vật, những ngày lễ lớn mới mang ra thổi cho dân bản thưởng thức. Lúc vui cũng như lúc buồn ông đều đem khèn ra thổi.
Già làng Quỳnh Hoàng là người duy nhất sửa chữa và thẩm âm cho tất cả các loại nhạc cụ của 5 dân tộc anh em sống trên dãy Trường Sơn. Nhiều người ở tận các vùng miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam còn cất công đến tận nơi nhờ ông sửa giúp nhạc cụ. Theo già làng Quỳnh Hoàng, để thẩm âm cho một chiếc thanh la phải mất từ 10 đến 20 ngày, khâu này rất khó, đòi hỏi cái tai của nghệ nhân phải thính, đôi tay phải khéo. Một chiếc thanh la tiếng hay, tiếng dở tùy vào nước đồng, bản làng. Nếu pha thêm một ít vàng Tây, âm sẽ vang và thanh hơn...
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Văn Ngoan tự hào nói về già làng Quỳng Hoàng: “Cụ Quỳnh Hoàng đã đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa của huyện A Lưới. Cụ luôn là một người đi đầu trong vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể và vật thể. Nổi bật nhất là cụ sản xuất và phục chế được tất cả các loại nhạc cụ của các dân tộc anh em ở A Lưới".
Thu Lan