Italia được coi là một trong những kinh đô thời trang của thế giới, còn ở Việt Nam thời trang cũng đang là một lĩnh vực hết sức tiềm năng. Chính vì thế thời trang luôn là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Năm 2013, Hội đồng thời trang Ý Việt được thành lập và đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Italia giới thiệu trong buổi ra mắt tại Roma cũng như được Đại sứ quán Italia tại Việt Nam giới thiệu tại Hà Nội. Từ đó đến nay, mỗi năm Hội đồng thời trang Ý Việt đều tổ chức các hoạt động như trình diễn thời trang, hội thảo, đưa các Nhà thiết kế Việt Nam sang Italia tham gia các triển lãm, hội thảo chuyên ngành, tìm kiếm đối tác cũng như đưa các nhà thiết kế, các thương hiệu, các trường đào tạo thời trang sang Việt Nam giao lưu.
Nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Italia và Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Italia, Hội đồng thời trang Ý Việt tổ chức Triển lãm “Quy trình ươm tơ dệt lụa” tại Ngôi nhà Ý (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ 14 - 19/3/2018. Chất liệu lụa truyền thống được giới thiệu bởi các nghệ nhân, các người làm lụa đến từ Hà Nội, Bảo lộc như: Thái Nam Silk - Nha xá, VietSilk, Silky Vietnam, Baoloc Silk, Lụa Việt, Nhật Minh Silk, Hà Bảo Silk - Bảo Lộc.
Cuộc gặp gỡ giữa chất liệu trên Lụa Ý và Lụa Việt Nam qua cuộc Trình diễn các bộ sưu tập Thu đông 2018 vào các ngày 17 – 18 – 19/3 tại Vườn hoa Diên Hồng (vườn hoa Con Cóc, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 18 nhà thiết kế của Ý và Việt Nam như: Gaudiomonte, Bianco Levrin, Cao Duy, Phương Thanh, Nhi Hoàng, Hùng Việt, Hà Duy, Cao Minh Tiến, Trần Thanh Mẫn, Công Huân, Chu La, Ngọc Hân, Trần Thiện Khánh, Duy Nguyễn, Hảo Nguyễn, Xuân Hảo, Huyền Nhung Nguyễn, Minh Hạnh.
Triển lãm “Quy trình ươm tơ dệt lụa” với những nong tằm, những cuộn tơ, những máy ươm tơ, máy dệt dùng thoi gỗ, những sản phẩm làm từ lụa và đặc biệt là với các nghệ nhân biểu diễn quy trình tuốc tơ, quay tơ sẽ làm sống lại một ngành nghề truyền thống nối tiếng của Việt Nam. Thông qua triền lãm này, Hội đồng thời trang Ý Việt và Đại sứ quán Italia muốn nêu cao giá trị của những ngành nghề thủ công, của giá trị văn hóa trong thời trang và từ đó nhấn mạnh chủ đề xuyên suốt trong quan hệ ngoại giao Ý Việt là “sự bền vững”.
PV