(VTR) - Vườn quốc gia Ba Bể, nằm cách thị xã Bắc Kạn khoảng 40km, có diện tích hơn 10.000ha. Vườn có tới 1.280 loài thực vật thuộc gần 140 họ, trong đó có 25 loài thực vật có tên trong sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) và nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú và đa dạng về số lượng và chủng loại với hơn 600 loài thuộc 27 bộ, trong đó có 66 loài động vật quý hiếm và đặc hữu, nhiều loại nằm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam như phượng hoàng đất, gà lôi, voọc mũi hếch.
Năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là một Di sản Thiên nhiên của ASEAN. Những nghiên cứu khoa học khẳng định đây là khu vực giàu có về đa dạng sinh học, có nhiều nét đặc trưng của hệ sinh thái điển hình rừng thường xanh trên núi đá vôi và hồ trên núi, rừng thường xanh đất thấp. Ngoài ra, hồ Ba Bể còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng với du khách, nhất là vào thời điểm đầu xuân và hè.
Những năm gần đây, Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) chịu nhiều tác động áp lực lên môi trường sinh thái. Nguyên nhân là do dân số tăng nhanh trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khai thác du lịch cũng đang tăng dần lên, sức đánh bắt cá hồ và tìm kiếm lâm thổ sản trong rừng ngày một lớn hơn. Ngoài sự bồi lấp tự nhiên, vùng hồ Ba Bể còn phải đối mặt với tình trạng di dân tự do, nạn xâm thực hệ sinh thái lõi vườn làm giảm diện tích rừng nguyên sinh. Vấn đề nổi cộm trong bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia Ba Bể hiện tại là các hoạt động du lịch và sinh hoạt chưa được kiểm soát chặt chẽ nguồn thải đã gây nên các điểm ô nhiễm cục bộ. Các vấn đề về xã hội cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và sự tham gia đóng góp của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Điều này đang đặt ra đòi hỏi cấp bách về việc bảo vệ môi trường bền vững bằng nhiều giải pháp thiết thực hơn.
Để bảo vệ môi trường tại đây, Vườn quốc gia Ba Bể đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành và duy trì một số hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên như quy định về vệ sinh môi trường tại các điểm bán hàng tại bờ hồ, nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh, bán lẻ; đặt các thùng rác nhỏ trên thuyền, tại những điểm tham quan, dừng chân của du khách; vệ sinh định kỳ tại các địa điểm du lịch… Mô hình sử dụng nguồn tài chính thu được từ các nguồn đóng góp của Hợp tác xã Xuồng, các nhà nghỉ và các nguồn khác để thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, phục hồi rừng mới và xây dựng quỹ sinh kế cho cộng đồng. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Ba Bể đã tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn đối với bà con trong vùng, vì giảm được nạn phá rừng đồng nghĩa với việc giảm sự sạt lở, bào mòn đất, giảm được lượng phù sa hàng năm vẫn bồi lấn vào lòng hồ. Hơn nữa, việc di dân khỏi vùng rừng đầu nguồn là một cách để ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy - một tập quán cố hữu của bà con các dân tộc thiểu số.
Nguyễn Kim Yến