
Thác Cam Ly - Đà Lạt
Khu vực sông Mekong đối mặt với biến đổi khí hậu
Theo một nghiên cứu, nhiệt độ tại hạ lưu sông Mekong tăng lên đến ba lần so với nhiệt độ tăng trung bình toàn cầu.
Tháng 5/2013, các nhà nghiên cứu đưa ra một phiên bản hoàn chỉnh nhằm cảnh báo: nếu cộng đồng địa phương không thích ứng, năng suất cây trồng của họ sẽ giảm đáng kể, gây mất an ninh lương thực trầm trọng. "Chúng tôi thấy khu vực này sẽ phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu cực đoan, nhiệt độ và lượng mưa vượt quá bất cứ điều gì mà chúng tôi mong đợi", ông Jeremy Carew-Reid cho biết (ông là tác giả chính của nghiên cứu và là Giám đốc Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường).
Hạ lưu sông Cửu Long, trong đó bao gồm phần lớn Campuchia và Lào, các địa phận của Thái Lan và Việt Nam, chủ yếu là nông thôn, với hàng chục triệu người là nông dân hoặc ngư dân. Khi nhiệt độ tăng, cần tìm một số cây trồng và loài thủy sản phù hợp có khả năng thích ứng với điều kiện khu vực. Dự đoán được mức độ nghiêm trọng, nhóm nghiên cứu thuộc Dự án thích ứng và giảm nhẹ tác động của Biến đổi khí hậu vùng Mê Kông (Mekong ARCC) cho rằng họ có thể giúp cộng đồng địa phương thích ứng với thay đổi môi trường bằng cách bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin của nghiên cứu. Paul Hartman, Giám đốc Mekong ARCC khẳng định: "Mục tiêu của Dự án là nghiên cứu khoa học và liên kết nó với những thay đổi đang diễn ra ở vùng hạ lưu sông Mekong. Dự án muốn cung cấp cho họ các thông tin nghiên cứu khoa học tốt nhất để họ có thể bắt đầu kế hoạch cho tương lai".
Campuchia: Chiến dịch ''Một du khách, một cây xanh"
Gần đây, Campuchia đã phát động chiến dịch "Một du khách, một cây xanh" với mục đích thúc đẩy du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.
Campuchia đã xây dựng các vườn du lịch tại 11 tỉnh, mỗi khu vườn có diện tích tối thiểu là 5ha. Du khách yêu thiên nhiên có thể tham quan và phát triển giống cây trong những khu vườn này. Chiến dịch diễn ra trong suốt lễ kỷ niệm quốc gia “Ngày thành phố sạch”.
Chiến dịch trồng cây là một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và đem lại ấn tượng tốt cho khách du lịch; thu hút du khách quay trở lại Campuchia lần nữa để xem các loại cây mà họ đã trồng. Chiến dịch cũng khuyến khích khách du lịch góp phần giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu và thiên tai.
Du lịch được coi là một trụ cột quan trọng hỗ trợ nền kinh tế Campuchia. Năm 2012, Campuchia đã đón 3,58 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt tổng doanh thu khoảng 2,2 tỷ USD.
Việt Nam - Các địa điểm du lịch bị hủy hoại bởi ô nhiễm môi trường
Nằm ở thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt, thác Cam Ly đang phải đối mặt với sự ô nhiễm nghiêm trọng. Theo bà Tạ Hoàng Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Đà Lạt, con suối đi qua khu vực nội thành và nhận rác thải ra từ những người sống ở đó. Rác và nước thải ra dòng suối không có kiểm soát. Kết quả là các dòng nước bị biến thành màu đen và nhiễm bẩn. Công nhân của công ty phải thu dọn rác mỗi ngày và nạo vét các dòng suối. Tuy nhiên, bà Tạ Hoàng Giang thừa nhận đây chỉ là những biện pháp tạm thời, trong khi các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Hồ Xuân Hương, một điểm đến thu hút nhiều du khách đã bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nhanh chóng của tảo, nước có mùi hôi và ô nhiễm. Nước từ hồ cũng đã góp phần làm xuống cấp môi trường thác Cam Ly.
Bãi biển Mũi Né (Phan Thiết - Bình Thuận) cũng đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Thủ phạm ở đây là các khu du lịch và cơ sở lưu trú đang hoạt động và không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Nước thải từ các khu nghỉ dưỡng bị đưa thẳng xuống biển mà không được xử lý, trong khi không có đơn vị nào kiểm soát những khu nghỉ mát này. Một sĩ quan cảnh sát về môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho biết, nhìn chung, các khu nghỉ mát không muốn chi tiền cho hệ thống xử lý nước thải. Nhiều khu nghỉ dưỡng không có bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào, một vài nơi có hệ thống xử lý nhỏ và đa số chỉ có hoạt động kiểm tra khi cơ quan chức năng đến kiểm tra.
Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho biết, các công ty lữ hành đã phải chi tiền riêng của họ để thu thập nhiều tấn rác trong các khu vực ven biển…
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần phải hành quyết liệt hơn nữa, nếu không hậu quả sẽ khó lường.
Nguyễn Trọng Hưng
Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch