Tác động của du lịch biển đến môi trường
Du lịch biển Nha Trang có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Các điểm đến như đảo Bình Ba, đảo Điệp Sơn, đảo Hòn Tre, đảo Yến…; các hoạt động lễ hội liên quan đến biển như festival biển, lễ hội du thuyền, lễ hội yến sào, lễ hội cá voi...; các hoạt động, hình thức vui chơi giải trí như nhảy dù, lướt ván, ca-nô, chèo thuyền, ngắm biển bằng khinh khí cầu… đã và đang thu hút rất nhiều khách du lịch. Nhờ tập trung đầu tư vào hạ tầng du lịch biển, những năm gần đây các khu nghỉ dưỡng, hệ thống khách sạn tại Nha Trang nở rộ. Hàng loạt dự án đang được hình thành và đi vào hoạt động, đem lại việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, tại một số điểm du lịch, ô nhiễm môi trường đã để lại ấn tượng xấu trong mắt du khách. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch chưa có hệ thống xử lý rác, nước thải. Hiện tượng du khách vứt rác bừa bãi, người bán hàng rong xả rác còn tiếp diễn, công tác thu gom rác thải trên bờ biển chưa triệt để. Mặt khác, lượng chất thải sinh hoạt tăng nhanh, phần lớn chưa được xử lý, hoặc xử lý bằng phương pháp thủ công gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng các nguồn nước. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch, bãi tắm còn yếu kém. Nhiều điểm du lịch không có thùng đựng rác công cộng… Ô nhiễm dầu vùng biển ven bờ do các phương tiện tàu thuyền vận tải khách du lịch, phương tiện vui chơi, thể thao nước, khai thác san hô phục vụ nhu cầu làm hàng lưu niệm... đã góp phần làm suy thoái hệ sinh thái khu vực biển Nha Trang.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch biển Nha Trang đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường. Sự phát triển quá nhanh của các khách sạn, resort, khu du lịch với mật độ tập trung cao tại thành phố Nha Trang đã làm thay đổi cảnh quan ven vịnh. Nhiều hoạt động du lịch trên và dưới mặt nước làm gia tăng khối lượng rác thải, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái san hô ven biển. Tại Hòn Mun, san hô đang bị suy giảm mạnh do có nhiều tàu khai thác, đánh bắt cá trái phép. Nhiều tàu đánh bắt giã cào quét sạch sinh vật biển từ nhỏ đến lớn; một số người lặn biển để bẫy, đánh thuốc các loại cá, tôm... là nguyên nhân khiến san hô gãy đổ, hư hại. Tại khu vực dọc bờ biển phường Vĩnh Trường, nước biển có tình trạng nhiễm bẩn, nhiều rác thải do ngư dân vứt bừa trên mặt biển. Tình trạng ô nhiễm ở “xóm chạy sóng” nằm sát biển thuộc phường Vĩnh Nguyên do túi ni lông và rác thải từ sinh hoạt của người dân xả ra biển mỗi ngày. Nhiều nhà dân còn có ống dẫn nước thải lộ thiên ra biển. Ngoài ra, dọc hai bờ kè sông Cái, nhiều quán nhậu ở vỉa hè đã xả rác thải xuống cửa sông và chảy thẳng ra vịnh Nha Trang.
Tài nguyên du lịch biển đảo Nha Trang đang bị khai thác quá mức, hơn 80% khách du lịch đến với Nha Trang - Khánh Hòa chọn loại hình biển đảo. Vào các dịp lễ, tết hoặc cuối tuần, bờ biển đông nghịt khách du lịch. Khách phải chen lấn nhau để bước xuống tàu thuyền, xếp hàng dài để đợi đến lượt tham quan, vui chơi. Vấn đề sức chứa của điểm du lịch chưa được quan tâm đúng mức, thường xuất hiện tình trạng quá tải ở một số điểm du lịch chính như danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ, các đảo trong vịnh Nha Trang, đảo Bình Ba, đảo Điệp Sơn... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của du khách đối với chất lượng sản phẩm du lịch.
Để phát triển du lịch biển Nha Trang bền vững
Đối với chính quyền địa phương: Triển khai và giám sát quá trình thực hiện các quy định, chế tài xử phạt hoặc rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống, hoạt động vui chơi giải trí có các hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường biển; Tổ chức điều tra, thống kê các nguồn rác thải, nước thải và có biện pháp khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý chất thải trong hoạt động du lịch đạt chuẩn theo quy định; Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chất thải, quy trình kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải. Chính quyền địa phương, doanh nghiệp, du khách và người dân đều có nghĩa vụ tôn trọng các nguyên tắc bảo vệ môi trường và hợp tác với nhau nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc này.
Đối với doanh nghiệp: Xây dựng hệ thống xử lý nước, chất thải đạt chuẩn; hạn chế dần việc xả nước thải trực tiếp mà không qua hệ thống xử lý; không sử dụng hóa chất để đánh bắt thuỷ hải sản và khai thác khoáng sản trên biển. Doanh nghiệp lữ hành thiết kế tour du lịch xanh kết hợp với các hoạt động nhặt rác, tuyên truyền người dân địa phương bảo vệ môi trường...
Đối với cộng đồng địa phương: Khi người dân được tham gia và có vai trò trong các chính sách phát triển du lịch tại điểm đến, họ sẽ có trách nhiệm cùng thực hiện các chính sách và hoạt động du lịch theo định hướng bền vững. Cộng đồng dân cư địa phương cần được tham gia vào quá trình đồng tạo chất lượng trải nghiệm của du khách. Cộng đồng tiếp xúc, tương tác trực tiếp với du khách, vì vậy cần được thường xuyên tập huấn về kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Đối với du khách: nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường biển; tham gia tích cực vào các chương trình, phong trào dọn dẹp vệ sinh ven biển, phân loại rác…
Tài liệu tham khảo:
1. Lê, C. (2015). Xây dựng chỉ tiêu đánh giá du lịch bền vững: Nghiên cứu điển hình tại thành phố Nha Trang. https://dlib.neu.edu.vn/handle/NEU/35936
2. Thị, Đ., & Nguyệt, B. (2012). Phát triển du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) theo hướng bền vững. https://tailieu.vn/docview/tailieu/2016/20160629/ maiyeumaiyeu01/tvefile_2013_01_17_9063293232_7533.pdf
3. Xuyên, N. (2020). Lực văn hóa trong phát triển du lịch di sản dựa vào sự tham gia của cộng đồng (Nghiên cứu trường hợp tại tháp Po Ina Nagar, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Journalofscience.Ou.Edu.Vn. https:// journalofscience.ou.edu.vn/index.php/proc-vi/article/view/1817
Nguyễn Hạnh Nguyên
(Tạp chí Du lịch tháng 12/2022)