Vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang "nóng" lên vì cổ vật. Người dân bỏ việc, ồ ạt đi tìm cổ vật nằm dưới đáy biển, bất chấp sự bảo vệ của các lực lượng chức năng. Thêm vào đó là tình trạng săn lùng, tranh giành mua cổ vật của giới buôn bán cổ vật. Chính quyền và các ngành chức năng ở Quảng Ngãi đang khẩn trương tiến hành các biện pháp để bảo vệ, khai thác cổ vật quý, đồng thời ổn định tình hình an ninh ở xã Bình Châu.

Các cổ vật được người dân địa phương vớt lên
Đến sáng 10/9/2012, tình trạng hàng trăm ngư dân túa ra biển lặn tìm, giành giật cổ vật gốm sứ từ bên trong con tàu chìm tại vùng biển gần bờ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã chấm dứt. Các cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi đã tăng cường lực lượng về vùng biển thôn Châu Thuận Biển để ngăn chặn. Hàng chục cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiến hành giải tỏa gần 40 tàu cá lớn nhỏ với hàng trăm ngư dân đang tranh đua lặn tìm cổ vật. Lực lượng chức năng dùng phao tiêu khoanh vùng địa điểm con tàu cổ chìm, đồng thời điều động nhiều phương tiện cắm chốt, phong tỏa bảo vệ hiện trường 24/24 giờ.
Mặc dù vậy, còn rất nhiều điều đáng lo ngại xung quanh vụ việc này. Theo đánh giá của chuyên gia, các cổ vật mà ngư dân tìm được tại khu vực này có giá trị rất lớn, niên đại hàng trăm năm. Nhưng rất ít cổ vật được bảo toàn vì người dân tranh giành cổ vật dưới nước và dùng hệ bơm cát áp suất cao, làm cho phần lớn cổ vật bị vỡ, khi đưa lên bờ chỉ còn là những mảnh vụn. Phần lớn người dân đều không biết rằng những cổ vật này giá trị ra sao và cũng không biết mình có được phép lặn lấy cổ vật hoặc bán chúng hay không.
Sức “nóng” của vùng biển Bình Châu vẫn chưa giảm, bởi giới buôn bán cổ vật đổ về đây ngày nhiều để săn lùng, tranh mua cổ vật. Do lực lượng chức năng đang kiểm soát gắt gao nên ngư dân có đồ cổ đều đem cất giấu và việc mua bán đều phải thông qua “cò” là người địa phương. Điều ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Ngãi lo ngại là nếu thời gian càng kéo dài thì khả năng bị thất thoát, hư hại cổ vật càng lớn.
Chiều 10/9/2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp triển khai công tác quản lý, bảo vệ và trục vớt cổ vật nằm bên trong con tàu cổ chìm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh và UBND huyện Bình Sơn tăng cường lực lượng bảo vệ cổ vật, ổn định an ninh trật tự tại địa phương, đồng thời vận động ngư dân giao nộp lại cổ vật đã lặn tìm được, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí. Sở VHTTDL Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL cho phép khai quật con tàu đắm khẩn cấp theo quy định của Luật di sản văn hóa.
Về phía Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan ngăn chặn việc trục vớt trái phép thì Cục thống nhất qua trao đổi với Sở, đề nghị Sở báo cáo UBND tỉnh ra quyết định khai quật khẩn cấp trục vớt các cổ vật bị chìm ở vùng biển Quảng Ngãi theo quy định của Luật di sản văn hóa. Hội đồng giám định của Bộ sẽ vào Quảng Ngãi để phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi xử lý những vấn đề chuyên môn có liên quan./.
Mai Hồng