Từ thực trạng suy giảm nghiêm trọng…
Nghiên cứu toàn diện đầu tiên về vượn tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua cho thấy ba trong số sáu loài (vượn đen Đông Bắc, vượn đen Tây Bắc và vượn má trắng) đang bên bờ vực tuyệt chủng. Thực trạng số lượng cá thể các loài vượn giảm đi đáng kể so với trước đây, chỉ còn lại một số quần thể còn sót lại ở một số khu bảo tồn, phần lớn nguyên nhân là do chúng đã không được bảo vệ hiệu quả. Việt Nam là khu vực sinh sống của loài vượn quan trọng của thế giới, tuy nhiên chúng đều đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nhận thức của người dân về hiện trạng các loài vượn rất thấp, đây là nhân tố chính ảnh hưởng tới việc suy giảm nghiêm trọng các loài này. Do đó, người dân, đối tác và đặc biệt là chính quyền địa phương cần phải nhận thức rõ hơn và hỗ trợ bảo vệ các quần thể đang bị đe dọa tuyệt chủng này.
Vượn đen Tây Bắc. Ảnh: Zhao Chao
Săn bắt và mất môi trường sống đã và đang làm cho các quần thể vượn bị suy giảm mạnh. Sinh cảnh sống của chúng trong các khu bảo vệ liên tục bị mất đi do việc đốn gỗ, mở rộng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng (xây nhà máy thuỷ điện, mở đường...) tạo điều kiện thuận lợi cho thợ săn, lâm tặc xâm nhập vào rừng, đồng thời làm giảm khả năng di chuyển của các quần thể vượn. Mất sinh cảnh sống cũng là nguyên nhân phá vỡ các quần thể vượn, chia cắt chúng thành những quần thể nhỏ và dễ bị tổn thương hơn. Nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã vẫn đang là vấn nạn do những nhu cầu buôn bán làm sinh vật cảnh và việc tin vào khả năng một số loài động vật hoang dã có thể làm vị thuốc chữa được bệnh. Đây là những vấn đề chính và là thách thức lớn trong việc bảo tồn vượn trong cả nước.
... đến cấp thiết phải bảo tồn
Hiện nay, các loài vượn ở Việt Nam chủ yếu sống giới hạn trong các khu bảo vệ. Tại hầu hết các vùng phân bố vượn của Việt Nam, các quần thể vượn được biết đến đều đang trong tình trạng có nguy cơ bị tuyệt chủng, thậm chí một vài nơi đã được báo cáo là đã tuyệt chủng.
Vượn má trắng. Ảnh: Terry Whittaker
Hiện trạng bảo tồn của các loài vượn của Việt Nam có thể xem như một chỉ số cho hiện trạng đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên của quốc gia. Để cứu các loài vượn cần có thêm nguồn ngân sách, năng lực kỹ thuật, cải thiện công tác quản lý các khu bảo tồn và bảo tồn đa dạng sinh học và quan trọng hơn cả là cần có sự chuyển biến tích cực và cấp tiến về thái độ của các cơ quan chính phủ cũng như của người dân đối với tài sản quốc gia quý giá này. Bên cạnh đó, ngăn chặn nạn săn bắt và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã là biện pháp chính để bảo vệ các loài vượn quý hiếm của Việt Nam.
Báo cáo “Hiện trạng bảo tồn các loài vượn ở Việt Nam” đưa ra sau hơn 10 năm nghiên cứu, đã đánh giá các xu hướng tồn tại và phát triển của các quần thể từng loài vượn tại Việt Nam, đồng thời đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực bảo tồn từ trước tới nay và đưa ra những đề xuất cần ưu tiên đầu tư bảo tồn. Đây cũng là một phần của sáng kiến trong khu vực, bao gồm kế hoạch hành động ở Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Đỗ Thu