Lễ hội Dinh Thầy Thím ra đời, duy trì và tồn tại đến ngày nay gắn với lịch sử hình thành các tập quán liên quan đến tín ngưỡng thờ Thầy Thím của cộng đồng người dân địa phương qua nhiều thế hệ. Lễ hội phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống, thể hiện sự thành kính, biết ơn Thầy Thím và ông bà, tổ tiên đã có công tạo dựng xóm làng, bao bọc, chở che cho dân làng có cuộc sống bình an và hạnh phúc. Với những giá trị và ý nghĩa đặc sắc đó, Lễ hội Dinh Thầy Thím đã được tỉnh đưa vào Danh mục các lễ hội tiêu biểu của địa phương cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.
Lễ hội Dinh Thầy Thím diễn ra hàng năm với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau như: Nghinh Thần, Nhập điện an vị; Dâng cộ bánh lên Thầy Thím, Cúng Ngọ, Thỉnh sanh, Tế Tiền hiền và Chánh tế Thần. Bên cạnh đó, phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa - thể thao hấp dẫn như: thi đấu cờ người, thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, việt dã, bóng chuyền bãi biển, biểu diễn lân - sư - rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình nghệ thuật dân tộc... Lễ hội Dinh Thầy Thím có sức thu hút hàng vạn người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đến bái tế, trẩy hội trong suốt thời gian cả tháng 9 âm lịch hàng năm.
Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Dinh Thầy Thím về lâu dài nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương và tham quan, bái tế của du khách; hướng đến đưa Lễ hội Dinh Thầy Thím trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục duy trì các kỳ tế lễ diễn ra hàng năm tại Dinh Thầy Thím như: Lễ Tảo mộ Thầy Thím (5/1 âm lịch) và Lễ hội Dinh Thầy Thím (14 - 16/9 âm lịch); trong đó Lễ hội Dinh Thầy Thím (Giỗ Thầy Thím) là lễ hội chính với nhiều nghi lễ theo tập tục truyền thống nối tiếp nhau.
Để phục vụ phát triển du lịch, hàng năm cần duy trì tổ chức cả phần lễ và phần hội; phần lễ với đầy đủ các nghi thức và cách thức hành lễ theo tập tục truyền thống của ông cha để lại, phần hội cần chú trọng phục hồi lại các trò chơi, trò diễn dân gian, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với tiềm năng, thế mạnh và truyền thống văn hóa của địa phương để quảng bá, thu hút nhân dân và du khách tham gia, khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh duy trì phần lễ theo đúng nghi thức, tập tục truyền thống, phần hội cần nâng tầm các trò chơi dân gian miền biển gắn với sự tích Thầy Thím như: lắc thúng, đan lưới, thi đấu cờ tướng, kéo co... nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và du khách trong quá trình tham gia, trải nghiệm và tìm hiểu Lễ hội Dinh Thầy Thím.
Nguyên Vũ