Trong những năm qua, TP. Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; giải tỏa hàng trăm hộ dân để cắm mốc giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; ngăn chặn và xử lý những hành vi lợi dụng di sản văn hóa để kiếm lợi phi văn hóa. Thành phố cũng ưu tiên xây dựng các đề án liên quan đến văn hóa: hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, nơi công cộng; bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đông Ngạc; không gian lễ hội Gióng; 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Đặc biệt, đề án Tổng kiểm kê đánh giá, phân loại các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến và đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể Hà Nội được triển khai nghiêm túc và rộng khắc trên toàn địa bàn thành phố…
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức. Để giải quyết vấn đề này, thành phố xác định rõ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của các đơn vị quản lý văn hóa mà còn là trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành và mỗi người dân Thủ đô.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đề cập đến những vấn đề như: cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn, tôn tạo, khai thác giá trị của các Di sản Văn hóa, kết nối với du lịch để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã được xem chương trình nghệ thuật giới thiệu về nét độc đáo của ca trù, chầu văn, quan họ… và tham quan Triển lãm về Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
PV