Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vừa được công nhận là Khu RAMSAR
Sông Mê Kông (khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Cửu Long) là một trong những con sông rộng lớn nhất thế giới và có mức đa dạng sinh học cao chỉ sau sông Amazon, Nam Mỹ. Do đó, ĐBSCL có sự hiện diện của rất nhiều hệ sinh thái (HST) như: HST rừng ngập mặn, HST sông suối, HST giồng cát, HST rừng tràm - đồng cỏ ngập nước theo mùa, HST ao đầm nội địa... Mỗi một HST mang lại những giá trị thiết yếu khác nhau cho người dân ở đồng bằng, ví dụ: lợi ích về kinh tế như cung cấp nguồn lợi thủy sản, hoa trái hay bồi đắp phù sa tạo nên một đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ cho canh tác nông nghiệp; nó cũng đem lại sự an toàn cho con người và môi trường như bảo vệ bờ biển, chống xói lở, điều tiết dòng chảy, điều hòa vi khí hậu hoặc hấp thụ các bon. Ngoài ra, các HST này cũng là nơi nuôi dưỡng và đảm bảo đa dạng sinh học của khu vực, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm đặc biệt các loài chim, loài cá như sếu đầu đỏ, cá tra dầu, cá hô…
Sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số luôn là áp lực lớn đối với các HST, cùng với những tác động do biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi các chức năng HST và chất lượng của các dịch vụ HST. Ông Hoàng Việt, điều phối viên chương trình biến đổi khí hậu của WWF - Việt Nam cho biết: “Việc sử dụng các dịch vụ HST không hợp lý hoặc không có quy hoạch phù hợp đã khiến cho nhiều HST của đồng bằng hiện nay bị suy yếu hoặc phá hủy. Các HST bị đang giảm về diện tích, cô lập và thiếu tính liên kết do các hoạt động phát triển kinh tế (như chặt phá rừng để nuôi trồng thủy sản hoặc chuyển đổi rừng sang đất nông nghiệp) và phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng các vùng dân cư, ảnh hưởng bởi ô nhiễm do sản xuất và nước thải sinh hoạt, việc xây đập thủy điện ở thượng nguồn cũng sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông, mất phù sa bồi đắp cho đồng bằng hàng năm, giảm độ phì nhiêu của đất và làm cho ĐBSCL càng dễ tổn thương hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Điển hình như rừng ngập mặn ngày xưa đã từng bao phủ hầu hết các vùng ven biển ĐBSCL nhưng nay đang dần biến mất trên quy mô lớn. Hiện nay, diện tích rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau (khoảng 77.000 ha)”.
Các hệ sinh thái tự nhiên với các dịch vụ của chúng là món quà mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho ĐBSCL. Trong nhiều năm qua, tầm quan trọng kinh tế của ĐBSCL luôn liên quan mật thiết tới các dịch vụ hệ sinh thái này. Để có thể duy trì được các dịch vụ HST và những lợi ích mà chúng đem lại cho người dân chúng ta cần phải hiểu rõ về các HST và chu trình tự nhiên của ĐBSCL. Tuy nhiên, việc lập kế hoạch và kinh nghiệm thực tiễn về bảo vệ các HST và duy trì dịch vụ hệ sinh thái còn tương đối mới đối với nhiều địa phương. Chính vì vậy, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học và WWF đưa ra chủ đề duy trì dịch vụ hệ sinh thái tại diễn đàn lần này để các tỉnh ĐBSCL có thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi kiến thức và kinh nghiệm lẫn nhau và từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng như thảo luận về các giải pháp và định hướng trong tương lai.

ĐBSCL có rất nhiều hệ sinh thái mang lại những giá trị thiết yếu cho người dân
Bà Huỳnh Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và Đa dạng Sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ: Trước những ảnh hưởng rõ rệt của Biến đổi khí hậu đối với khu vực, việc bảo vệ, phục hồi và duy trì sự khỏe mạnh của các hệ sinh thái càng quan trọng và mang tính chiến lược. Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, thuộc Tổng Cục Môi trường, với sự hỗ trợ kỹ thuật của WWF, và các tổ chức, cá nhân khác đang trong quá trình soạn thảo Quy hoạch tổng thể đầu tiên về Bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trong đó tầm quan trọng của bảo tồn và duy trì hệ sinh thái được nhấn mạnh. Qua Diễn đàn này, chúng tôi hy vọng các tỉnh ĐBSCL sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này, để khi quy hoạch chính thức được Chính phủ phê duyệt, các tỉnh đã có những chuẩn bị tốt trong việc xây dựng và thực thi quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học ở từng địa phương.
Theo các chuyên gia của WWF, việc phục hồi và duy trì các HST cũng như dịch vụ HST đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ của các địa phương, đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân, những người sống phụ thuộc vào thiên nhiên như trồng lúa, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng đặc biệt quan trọng để giảm thiểu những hoạt động có tác động tiêu cực đến sự khỏe mạnh của các HST và suy giảm dịch vụ HST. Các cơ chế và công cụ phục vụ cho công tác chi trả cho dịch vụ HST cũng cần được hoàn thiện, chia sẻ và áp dụng rộng rãi, nhằm hoàn trả một phần những gì mà chúng ta nhận được từ thiên nhiên cũng như những người đang bảo vệ chúng.
Mặc dù, việc duy trì sự toàn vẹn và khỏe mạnh của các HST và các dịch vụ HST còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng vừa qua một tin vui với ĐBSCL đó là Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, với sự hỗ trợ của Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học và WWF, đã chính thức được Ban thư ký Công ước RAMSAR công nhận là Khu RAMSAR, vùng đất ngập nước mang tầm quan trọng quốc tế, thứ 5 tại Việt Nam.
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết: Chúng tôi rất mừng vì sau những nỗ lực bảo tồn và sự ủng hộ hết sức quý báu của các ban, ngành của tỉnh Cà Mau và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là một Khu RAMSAR thứ 2 ở ĐBSCL. Đây sẽ là cơ hội thu hút sự chú ý, quan tâm và đầu tư của cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế vào các hoạt động bảo tồn của VQG. Và đây là một áp lực, để VQG duy trì và phát triển chất lượng của dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến về BĐKH ngày càng phức tạp.
PV