Xác định bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung và bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao nói riêng là yêu cầu cấp thiết góp phần xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa bền vững của đất nước, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng các kế hoạch, đề án đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn như: tiếp tục thống kê, kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa dân gian; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Dao…; đặc biệt là Đề án kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể của 50 bản dân tộc Dao năm 2015, và Kế hoạch sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian nghề thuốc dân tộc Dao tỉnh Lai Châu năm 2017.
Bên cạnh các hoạt động “bảo tồn tĩnh” thì các hoạt động “bảo tồn sống” các di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng dân tộc Dao cũng được chú trọng bảo tồn. Tại các vùng có đồng bào dân tộc Dao định cư, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã khôi phục và nâng cao giá trị các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội tủ cải (phong sắc, cấp sắc), Lễ hội nhảy lửa của người Dao đầu bằng huyện Tam Đường; Lễ hội “ăn trộm” lấy may đầu năm của người Dao đỏ ở xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ…; đồng thời, nghiên cứu giới thiệu, triển lãm không gian văn hóa tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc và các ngày hội, hội thảo do Trung ương tổ chức; các lễ hội truyền thống, tri thức dân gian trong tang ma, cưới hỏi, thuốc chữa bệnh… ngoài việc được bảo tồn sống ngay tại địa bàn cơ sở còn được biên tập viết sách, quay và dựng thành các đĩa phim tư liệu để lưu giữ và phục vụ cho các công trình nghiên cứu khoa học.
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả thông qua các tri thức thờ cúng dân gian, nghề thủ công truyền thống, hay tri thức dân gian về các bài thuốc chữa bệnh, tăng cường sức khỏe thì những làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Dao cũng được bảo tồn và trở thành nét đẹp riêng không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, hội của người Dao.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân dân gian là người dân tộc Dao đã chủ động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua việc truyền dạy tri thức văn hóa dân gian, viết những bài nghiên cứu chuyên sâu về từng lĩnh vực cụ thể và đăng trên các báo, tạp chí, cũng như tập hợp và in thành những cuốn sách để lưu truyền trong cộng đồng người Dao.
Bài và ảnh: Nhật Minh