Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định có 7 bộ sưu tập, với hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh quý giá. Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi, thân thương gắn liền với lực lượng Biệt động qua từng trận đánh, sinh hoạt đời thường trong thời kỳ hoạt động cách mạng. Đây cũng là Bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động gắn liền với các di tích hiện hữu tồn tại ngay trong lòng TP. Hồ Chí Minh. Toàn bộ dữ liệu của Bảo tàng đang được số hóa để lưu trữ lâu dài về một lực lượng đặc biệt, tạo sức lan tỏa sâu rộng, giúp các thế hệ trẻ kết nối, hiểu biết sâu hơn về di sản lịch sử của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước; đồng thời góp phần quảng bá về sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ của TP. Hồ Chí Minh.
Sau một tháng chính thức đi vào hoạt động, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định thu hút khá đông khách trong và ngoài nước tham quan trải nghiệm. Mỗi ngày, Bảo tàng đón tiếp khoảng 200-300 lượt khách tham quan trải nghiệm. Dịp cuối tuần, nghỉ lễ, Bảo tàng đón tiếp và phục vụ nhiều hơn, khoảng 500 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Có đến 2/3 lượng khách tham quan trải nghiệm là giới trẻ. Anh Ramon Kristian - một du khách trẻ đến từ Mỹ cho biết, lần đầu tiên đến thăm Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, anh thật sự ấn tượng với các hiện vật trưng bày ở đây. “Thật tuyệt vời khi được xem tận mắt những hiện vật lịch sử hết sức đặc biệt đã được sử dụng trong chiến tranh. Qua đây thấy được sự dũng cảm của người dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Tất cả người dân ngày nay đều có quyền tự hào về dòng lịch sử này, đó là điều tuyệt vời về đất nước Việt Nam. Một trong những thứ khiến tôi ấn tượng nhất phải kể đến hầm chứa vũ khí phục vụ cho trận đánh vào Dinh Độc Lập trong tết Mậu Thân 1968. Những món vũ khí, và mọi thứ... đều ấn tượng tuyệt vời” – anh Ramon Kristian chia sẻ.
Hàng ngày, du khách đến tham quan Bảo tàng còn được giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng sống một thời hoạt động như bà Nguyễn Thị Thiệp- biệt động Sài Gòn, vợ Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai; bà Vũ Minh Nghĩa, nhân chứng trực tiếp đào hầm cất giấu vũ khí và tham gia trận đánh Mậu Thân 1968; bà Trần Thị Lệ Thu, giao liên Biệt động; hướng dẫn viên “nhí” Trần Trọng Nhân, cháu nội AHLLVTND Trần Văn Lai…
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, hiện tham gia thuyết minh tại Bảo tàng cho biết, khách đến với Bảo tàng Biệt động đa số là giới trẻ, cháu thiếu niên, học sinh, sinh viên. Điều này cho thấy giới trẻ không thờ ơ với lịch sử. Các cháu đến nhằm học hỏi, tìm hiểu cho thỏa tính tò mò khi được xem tận mắt, sờ tận tay các vật dụng của lực lượng Biệt động dùng để đánh trận, sinh hoạt trong đời sống thường nhật của ngày xưa. “Lâu nay cách làm của chúng ta chưa đáp ứng được tính tò mò, hiếu kỳ và tâm lý ham hiểu biết của giới trẻ. Đến giờ mới có Bảo tàng Biệt động cũng được xem là muộn, nhưng vẫn còn hơn không. Tuy vậy cũng nên hiểu đây là một lực lượng đặc biệt, hoạt động trong bối cảnh đặc biệt, ở một chiến trường đặc biệt – đó là chiến tranh đô thị. Để giữ bí mật, sau mỗi trận đánh tất cả những vật dụng liên quan đến các chiến sĩ đều phải tiêu hủy hết. Cho nên việc sưu tầm hiện vật, phục dựng mô hình các trận đánh đúng với tính chất lịch sử rất gian nan. Thế nhưng nhờ có sự quyết tâm bền bỉ của gia đình AHLLVTND Trần Văn Lai trong suốt gần 20 năm mới có được như hiện thời là điều đáng quý, đáng trân trọng. Hy vọng sau này khách đến đông hơn, đặc biệt là giới trẻ, để biết cội nguồn lịch sử của dân tộc mình, thành phố mình” - ông Nguyễn Quốc Độ chia sẻ.
Cao Phương