Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi!
Đối với người Bình Định, câu thơ ấy đã trở nên quá quen thuộc, quen thuộc như chính những chiếc bánh ít lá gai, một món ăn đặc sản có từ lâu đời của họ. Quanh năm, trong lễ cúng hay đám tiệc, trên bàn thờ hay trên bàn cỗ, lúc nào đĩa bánh ít lá gai cũng có mặt như một “thành viên” không thể thiếu. Có loại bánh để trần, có loại bánh gói bằng lá chuối chát, tuy hình thức khác nhau nhưng loại nào cũng rất thơm ngon.
Chuyện dân gian từ rừng núi Tây Sơn, Bình Định kể rằng: Ngày xưa, có một chàng trai đi làm ăn xa lâu ngày mới trở về thăm mẹ già đang ngày đêm mòn mỏi trông chờ. Vì thân làm thuê, cuốc mướn, nên lúc trở về chỉ mua được một chiếc bánh làm bằng bột nếp biếu mẹ. Trước khi mở ra ăn, người mẹ hỏi con, bánh này là bánh gì? Người con lúng túng trả lời là “bánh ít”. Người mẹ gật đầu, xúc động đến ứa nước mắt, vì món quà tuy ít mà chứa đựng tấm lòng hiếu thảo. Từ đó, bánh mang tên là “bánh ít”.
Không chỉ là món ăn thân thuộc, bánh ít lá gai còn là món tráng miệng, món quà đặc biệt trong lễ cưới hỏi của người Bình Định. Các cặp vợ chồng son thường dùng bánh ít lá gai làm quà mang về nhà vợ trong ngày hồi dâu; phải chăng muốn mượn câu chuyện “bánh ít” ngày xưa để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo của con, của rể? Quả bánh ít trước là để dâng cúng ông bà, sau là để biếu cha mẹ, họ hàng bên vợ ăn lấy thảo. Riêng ở thôn Bình Định, trong các ngày giỗ kỵ, dù cho có đủ cao lương mỹ vị gì đi chăng nữa nhưng trên bàn thờ tổ tiên, không bao giờ thiếu món bánh ít lá gai.
Sở dĩ, bánh ít Bình Định được gọi tên đầy đủ là “bánh ít lá gai” bởi vì khác với nhiều nơi, bánh do người Bình Định làm bao giờ cũng phải có lá gai – một loại cây giống như cây dâu tằm, cành lá xum xuê, mọc ở các bờ rào, lá to như lá dâm bụt nhưng có nhiều lông mịn, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu bạc óng ánh.
Cách thức làm bánh ít lá gai cũng giống như làm bánh ít thường. Người ta đem nếp ngâm rồi xay thành bột, gạn lọc nhiều lần để lấy bột thật đặc và nhuyễn, sau đó mới thắng đường nhào chung với bột. Lá gai chỉ hái độ trăm lá, đem luộc chín, vắt ráo nước, cho vào cối đá giã chung với bột. Chất lá gai làm cho bột bánh có màu đen láng rất đẹp, khi chín tỏa ra mùi thơm phức. Nhiều nơi không có lá gai phải dùng tạm lá mướp hay lá bạch hạc, nên kém giá trị hơn. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh ngào đường trộn đậu phộng và dừa.
Sau khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, lấy một miếng bột đặt lên lòng bàn tay, ép ra cho mỏng, bỏ nhân vào giữa, gói lại. Lá gói là loại lá chuối chát đem phơi héo, cắt tròn, to bằng bàn tay xòe, trên mặt lá có thoa một lớp dầu phộng hay dầu dừa để bánh khỏi dính vào lá. Phải thật khéo để gói cho chiếc bánh giống hình chóp núi vuông vức dễ coi, còn mặt đáy thành hình tam giác đều. Riêng loại bánh ít để trần, trên mặt bánh, người ta thêm một lớp vừng (mè) hạt, tạo cho bánh có vị vừa ngọt vừa béo. Xong xuôi, đem bánh hấp cách thủy. Bánh chín vớt ra, để nguội là có thể ăn ngon lành.
Bánh ít lá gai là món ăn truyền thống, không những ngon miệng mà còn gắn bó mật thiết với các lễ hội cổ truyền của người Bình Định.
NGUYỄN NHÂN THỐNG