Nghề làm bánh đúc gia truyền làng Dòng đã có từ lâu đời, được nhiều người biết tới. Nguyên liệu làm bánh đúc rất đơn giản gồm: gạo tẻ, lạc, nước nẳng..., nhưng để bánh ngon, giòn thì phải chọn lạc ta, nước nẳng được pha chế từ gio than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, vchọn gạo tẻ ngon, thơm, dẻo.
Quan trọng nhất khi làm bánh đúc là khâu nấu bánh và khuấy bánh, đòi hỏi người nấu bánh phải khéo léo để cho ra những mẻ bánh thơm ngon, chuẩn vị. Trước khi nấu người ta phải chuẩn bị một cái nồi lớn đã được tráng mỡ, sau đó đổ bột gạo hòa nước nẳng vào. Tiếp đến, bắc nồi lên bếp chỉnh lửa vừa và lấy một đôi đũa lớn quấy liên tục đều tay để bột không bị vón, bị khê hay sát nồi. Bếp lửa nấu bánh phải nhỏ và đều thì bánh mới chín, lúc đánh lên thả xuống bánh róc đũa là được. Bánh chín mới cho lạc vào quấy đều rồi đổ ra mẹt trải sẵn lá chuối tươi khi bánh còn đang nóng. Bánh đúc đạt tiêu chuẩn phải có màu trắng ngần tự nhiên, trông bề mặt của bánh mịn, mỏng và bóng; khi ăn cảm nhận vị ngậy mà không béo của bánh, vị bùi của lạc và thoang thoảng vị nồng của nước nẳng.
Thưởng thức bánh đúc làng Dòng có thể cắt miếng nhỏ ăn kèm cá kho, thịt kho, hay chấm với tương, nước mắm chanh ớt, mắm tôm, hoặc thưởng thức cùng mật ong, mật mía... Nhưng sự kết hợp của bánh đúc làng Dòng với tương luôn mang lại hương vị hấp dẫn nhất.
Người dân làng Dòng trước đây thường làm bánh đúc vào lúc nông nhàn, nhất là những dịp lễ, tết như: Tết Đoan Ngọ, Tết Vu Lan báo hiếu… Ngày nay, tại các phiên chợ quê ở Lâm Thao, bánh đúc làng Dòng được bày bán như một thức quà quê đơn sơ mà bình dị. Bên cạnh đó, bánh đúc làng Dòng cũng được bày bán tại một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Nội… nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức của tất cả người dân.
Bích Ngọc