Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm; trong đó, 730 nghìn tấn nhựa thải trực tiếp ra môi trường. Tại Quảng Ninh, mỗi ngày có khoảng trên 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày, trong đó có phát sinh lượng lớn rác thải nhựa, túi ni-lon.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong và ngoài nước đến từ các tổ chức bảo vệ môi trường đã tập trung phân tích thực trạng ô nhiễm nhựa trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, các chuyên gia đã đưa ra các khuyến nghị, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa, biến rác thành tài nguyên.
Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chia sẻ: Đối với tỉnh Quảng Ninh để bảo tồn được các giá trị du lịch biển, Quảng Ninh phải là tỉnh đi đầu cả nước trong việc chống rác thải nhựa, bởi rác thải nhựa là thứ đang làm biển xấu đi. Bởi vậy, chúng ta không bảo vệ môi trường, không bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thì chúng ta cũng không có du lịch bền vững.
Qua buổi tọa đàm sẽ góp phần đưa ra các định hướng hành động cụ thể nhằm giảm thiểu việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, không thân thiện môi trường. Đồng thời, giúp cho các đại biểu tham gia có thêm nhiều kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay nhằm từng bước giảm thiểu lượng rác thải nhựa ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Cùng với buổi tọa đàm, Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Ninh và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Greenhub còn tổ chức triển lãm “Rác thải nhựa và sáng kiến xanh” nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay đề xuất các ý tưởng chống rác thải nhựa và khởi động dự án “Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế rác thải nhựa (3R) tại Việt Nam”.
TH