Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc vùng chiến khu Việt Bắc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 160km về phía Bắc. Bắc Kạn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, độc đáo. Trong đó, nổi bật là hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt, tự nhiên, trên núi đá đẹp nhất của thế giới cần được bảo vệ; đồng thời là Vườn di sản ASEAN, khu ramsar và Di tích quốc gia đặc biệt. Bắc Kạn còn có hàng trăm di tích lịch sử mà nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử cách mạng, là tiềm năng, lợi thế du lịch “địa chỉ đỏ” về nguồn. Ngoài ra, Bắc Kạn có rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 20 di sản được công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nổi bật là di sản hát then được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo và đa dạng, con người thân thiện nên Bắc Kạn có nhiều loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá hang động, trải nghiệm nông nghiệp, văn hóa - lịch sử, tâm linh, du lịch cộng đồng và có khả năng kết nối về du lịch với nhiều tỉnh trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho biết, trong thời gian tới, Bắc Kạn quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia; mỗi huyện, thành phố có ít nhất một khu, điểm du lịch được công nhận. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm khai thác và phát huy tài nguyên du lịch bao gồm: Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Di tích quốc gia đặc biệt - danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể; hoàn thiện đường cao tốc từ Chợ Mới qua thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể để nối thẳng tuyến du lịch cao tốc từ Hà Nội đến hồ Ba Bể; xây dựng nhiều tuyến đường phát triển du lịch nội địa và kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).
Mặc dù Bắc Kạn đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch nhưng vẫn còn gặp những khó khăn. Vì vậy, tỉnh có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư du lịch nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch hợp tác, gắn kết với các doanh nghiệp du lịch trong cả nước để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, Bắc Kạn tập trung cải thiện môi trường du lịch; xây dựng dịch vụ du lịch thông minh; đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự nỗ lực mạnh mẽ của ngành Du lịch Bắc Kạn đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu danh lam thắng cảnh, văn hóa bản địa, hệ sinh thái đặc sắc của tỉnh. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tin tưởng Bắc Kạn sẽ tạo ra những cơ hội từ việc tiếp cận công nghệ mới và những bài học kinh nghiệm từ các địa phương để phát huy được thế mạnh những tài nguyên còn hoang sơ, giàu bản sắc, thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc, mang màu sắc đặc thù để du khách trong nước và quốc tế sớm trở lại Bắc Kạn; đồng thời, Bắc Kạn là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Bắc, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, sẽ là cầu nối trong chuỗi liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc để điểm đến Bắc Kạn ngày càng được lan tỏa.
Trong thời gian qua, Bắc Kạn tham gia nhiều chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, trong đó có chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, trong đó có chương trình liên kết với Thành phố Hà Nội, chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc. Với nguồn tài nguyên văn hóa - du lịch đặc sắc, hấp dẫn, Bắc Kạn sẽ trở thành điểm đến du lịch lý thú, an toàn, thân thiện đối với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Vân Nhi