Chủ trì hội thảo có ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang và đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng cục Du lịch.Tại hội thảo có 24 bản báo cáo tham luận của các cơ quan, đơn vị: Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp làm du lịch của các địa phương.
Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang trình bày bản báo cáo Đề dẫn cuộc hội thảo nêu rõ: Bắc Giang là tỉnh miền núi có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội. Bắc Giang có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy thuận lợi. Có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, như thắng cảnh Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ… Là vùng đất cổ với bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa với trên 2.200 di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật; trong đó có 639 di tích đã được xếp hạng. Nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu trong Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; những di tích địa điểm cuộc khởi nghĩa Yên Thế được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Có dân ca quan họ và hát ca trù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cùng với hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm… Đây là những lợi thế để Bắc Giang đẩy mạnh liên kết với các tỉnh phát triển du lịch.
Những năm gần đây, Bắc Giang đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 Chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh; phấn đấu đưa du lịch của Bắc Giang trở thành ngành kinh tế phát triển vào năm 2020. Việc liên kết để phát triển du lịch được tỉnh Bắc Giang xác định là giải pháp quan trọng, thiết thực, hiệu quả. Năm 2012, Bắc Giang tổ chức hội thảo liên kết du lịch với TP. Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn; năm 2013, đã liên kết với tỉnh Hưng Yên; đầu năm 2014, đã liên kết du lịch với TP. Hồ Chí Minh và lần này tiến hành cuộc hội thảo liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Bắc Giang với các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh.
4 địa phương nêu trên đều có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với tài nguyên du lịch nhân văn giàu có, đậm đà bản sắc dân tộc và tài nguyên du lịch sinh thái đa dạng. Với vị trí địa lý và cự ly tương đối thuận lợi, dọc theo trục quốc lộ 37 du khách có thể đi đến các điểm du lịch ATK Định Hóa, hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên; ATK Hiệp Hòa, chùa Bổ Đà, các làng quan họ cổ, làng nghề truyền thống dọc bờ Bắc sông Cầu tỉnh Bắc Giang; từ các điểm chùa Vĩnh Nghiêm, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ ấm Sơn, khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Bản Mậu, khu Đồng Thông tuyến du lịch Tây Yên Tử ở Bắc Giang có thể kết nối với tuyến du lịch Đông Yên Tử tỉnh Quảng Ninh; hay từ Bắc Giang đi khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương… Những lợi thế trên nếu được liên kết, hợp tác tốt thì Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương và Quảng Ninh sẽ có được những sản phẩm du lịch mới, thu hút được các nhà đầu tư và đông đảo du khách, khi đó du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mạnh, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Phạm Thái Hạnh, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh việc liên kết phát triển du lịch vùng sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới, đa dạng của các tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tăng trưởng lượng khách của toàn ngành du lịch. Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương cho rằng cuộc hội thảo này đã đánh giá đúng thế mạnh của 4 tỉnh, nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; tạo điều kiện cho các hãng lữ hành khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, kết nối tuyến du lịch, điểm du lịch của 4 tỉnh để phát triển du lịch có tính bền vững trong thời gian tới. Sau hội thảo các tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể và ký kết hợp tác phát triển du lịch; tăng cường trao đổi, quảng bá xúc tiến du lịch của từng địa phương. Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh khẳng định: việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương và Quảng Ninh sẽ thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng, phát huy những tiềm năng du lịch của mỗi tỉnh hợp lý, hiệu quả nhất.
Kết thúc cuộc hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, đại diện lãnh đạo Hiệp hội du lịch 4 tỉnh nêu trên đã ký văn bản hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong thời gian tới./.
(Nguồn: dangcongsan.vn)