Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức gần 20 lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực cho gần 1.000 lượt cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của 10 huyện, thành phố, cán bộ của 10 Điểm tư vấn tại cộng đồng và 2 trung tâm điều trị nghiện của tỉnh Bắc Giang những kiến thức cơ bản về nghiện chất ma túy, các phương pháp dự phòng và quy trình điều trị nghiện ma túy; đồng thời, phối hợp với Sở Y tế Bắc Giang, chính quyền các địa phương tổ chức 2 lớp tập huấn để cấp chứng chỉ giấy chứng nhận điều trị Methadone cho 130 cán bộ về điều trị cắt cơn và xác định tình trạng nghiện ma túy; in và cấp phát trên 25.000 tờ rơi với nội dung về mô hình điều trị nghiện ma túy trong tình hình mới tới các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền đến các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và người dân…
Sở Y tế Bắc Giang đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 245 cán bộ y tế từ cấp huyện đến cơ sở triển khai các hoạt động phòng, chống ma túy; chẩn đoán, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện và ma túy tổng hợp dạng Amphetamin; chỉ đạo các trạm y tế tuyến xã phối hợp với công an để chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy, hướng dẫn tham gia cai nghiện bắt buộc hoặc điều trị nghiện tự nguyện; chỉ đạo bệnh viện đa khoa tuyến huyện và bệnh viện tâm thần sẵn sàng tiếp nhận những đối tượng cần xác định tình trạng nghiện ma túy do tuyến xã chuyển tới để hoàn thiện thủ tục theo quy định.
Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 186/230 xã có người nghiện ma túy; người nghiện có hồ sơ quản lý là 1.916; giảm 2 xã và 128 người so với năm 2015. Người nghiện sử dụng heroin có xu hướng giảm dần, trong đó tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp nhóm kích thích dạng Amphetamin ngày càng gia tăng chiếm khoảng từ 40 - 45%, tập trung nhiều nhất ở TP. Bắc Giang. Các huyện có số người nghiện ma túy trên 200 người là: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lục Ngạn.
Hiện tại, 10/10 huyện, thành phố đã triển khai kế hoạch cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; thành lập được 10 Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng đặt ở các trạm y tế tuyến xã. Từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2016, các địa phương đã tổ chức cai nghiện cho 765 người (trong đó cai nghiện tại gia đình: 354 người, cộng đồng: 411 người); số người được hỗ trợ tạo việc làm: 130 người, dạy nghề: 27 người, hỗ trợ vay vốn: 1 người. Các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện đã tổ chức cắt cơn giải độc cho 42 người, duy trì sinh hoạt nhóm cho 87 người, tổ chức tư vấn cho người dân, người nghiện cho 1.892 người; qua đó đã cung cấp thông tin về các dịch vụ điều trị nghiện, điều trị Methadone, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, phòng, chống tái nghiện và hướng dẫn người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện với chính quyền địa phương để nhận được sự giúp đỡ trong quá trình chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bắc Giang đã chủ động chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở điều trị nghiện đa chức năng và thành lập mới Trung tâm Điều trị nghiện tự nguyện, cả hai cơ sở điều trị nghiện này đều có chức năng điều trị Methadone. Trong 9 tháng đầu năm 2016, 2 cơ sở điều trị nghiện đã tiếp nhận điều trị cho 250 người nghiện; bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang tổ chức tiếp nhận 123 người nghiện ma túy tổng hợp đến chữa trị; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế Dự phòng các huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế và TP. Bắc Giang đã và đang duy trì cho 803 người đến điều trị Methadone mỗi ngày.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn gặp một số khó khăn như: việc chẩn đoán xác định người nghiện ma túy chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện; nhiều gia đình không quản lý người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dẫn đến người nghiện bỏ trốn khỏi địa phương khi có quyết định của Tòa án; thành viên Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng làm việc chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc tham gia công tác điều trị nghiện ma túy còn hạn chế; chưa có định mức tối thiểu để giao cho mỗi cán bộ tại các cơ sở/điểm tư vấn điều trị nghiện phải có trách nhiệm tư vấn, tổ chức duy trì sinh hoạt, hướng nghiệp để quản lý số người nghiện ma túy trong thời gian điều trị nghiện; người nghiện ma túy chưa chủ động, tích cực trong việc tái hòa nhập cộng đồng, dẫn đến làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị nghiện; sự phối hợp trong công tác tổ chức cai nghiện tại cộng đồng ở nhiều địa phương đang gặp những khó khăn vì không có cơ sở vật chất, thiếu nhân lực để tổ chức quản lý, cắt cơn cho người nghiện ma túy…
Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, cần tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy; thường xuyên, liên tục tuyên truyền về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư về công tác cai nghiện, tránh tình trạng phân biệt, kỳ thị; thực hiện chế độ hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để người nghiện được tiếp cận với dịch vụ về điều trị nghiện; duy trì và nhân rộng mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho các Điểm tư vấn trở thành điểm cấp phát Methadone cho người nghiện ma túy; thành lập các câu lạc bộ hỗ trợ, giúp đỡ người sử dụng ma túy tham gia điều trị nghiện có hiệu quả…
TH