Đây là sự kiện quan trọng thể hiện sự nỗ lực vượt khó, phục hồi, quyết tâm đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch của huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Sự kiện này còn là dịp để Lục Ngạn quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, lợi thế du lịch địa phương, đặc biệt là trong phát triển du lịch mùa vải thiều chín.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, huyện Lục Ngạn là vùng trồng cây ăn quả lớn của Bắc Giang với trên 28.000ha vải thiều, nhãn, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh… có thể đón khách du lịch đến tham quan trải nghiệm quanh năm. Lục Ngạn còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn…; có nhiều di tích được xếp hạng như di tích quốc gia chùa Am Vãi, đền Hả; có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, hồ làng Thum, hồ Bầu Lầy, suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang... Ngoài ra, Lục Ngạn còn có 3 làng nghề truyền thống là làng nghề mỳ Chũ, làng nghề rượu men lá Kiên Thành; làng nghề cây cảnh Thanh Hải. Ẩm thực của người dân Lục Ngạn rất đặc sắc, có nhiều món ăn ngon đặc trưng theo mùa, theo vùng với hương vị riêng, là đặc sản nổi tiếng. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, du lịch Lục Ngạn bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19. Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam đồng thời bày tỏ mong muốn các đại biểu, doanh nghiệp tham gia Hội nghị sẽ có những ý kiến góp ý, những chia sẻ giúp huyện Lục Ngạn xây dựng được những cơ chế thu hút đầu tư, xây dựng những giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển. Quan điểm của Lục Ngạn là phát triển du lịch xanh theo định hướng của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Tại Hội nghị, các đại biểu, doanh nghiệp đánh giá Lục Ngạn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho rằng, du lịch Lục Ngạn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Hệ thống dịch vụ, cơ sở lưu trú ở Lục Ngạn còn yếu; các doanh nghiệp bản địa chưa mặn mà đưa khách về địa phương; công tác chia sẻ thông tin, xúc tiến quảng bá còn yếu, đặc biệt là việc xúc tiến quảng bá tại chỗ. Các đại biểu, doanh nghiệp cho rằng để thu hút khách đến Lục Ngạn, địa phương cần có thêm nhiều dịch vụ chất lượng cao, chú trọng vào phát triển du lịch cộng đồng, các giải pháp, sản phẩm thân thiện với môi trường; có quy hoạch cụ thể để thu hút các nhà đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở lưu trú; phát triển truyền thông đa kênh, đa phương tiện…
Kết luận Hội nghị, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển du lịch Lục Ngạn thời gian tới đây. Lục Ngạn xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; có những hoạt động đổi mới, sáng tạo; nhiều chương trình kết nối giữa các đơn vị du lịch lữ hành với các HTX, điểm du lịch của huyện; thu hút người dân tham gia và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch… Ông Nguyễn Việt Oanh đồng thời chia sẻ, tới đây tỉnh Bắc Giang sẽ khởi công 2 tuyến cao tốc sau khi kết thúc mùa vải; cùng với mạng lưới giao thông nông thôn của Bắc Giang, 2 năm sau đường đến huyện Lục Ngạn sẽ rất thuận lợi. “Huyện Lục Ngạn cần các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào đầu tư các khu du lịch, điểm du lịch tạo điểm nhấn. Huyện Lục Ngạn sẽ kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang đưa vào quy hoạch tạo quỹ đất để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư” - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh khẳng định.
Trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến du lịch và Phát động chương trình du lịch “Hương sắc mùa Hè Lục Ngạn” năm 2022, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bắc Giang phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát “Du lịch Lục Ngạn - Về miền trái ngọt” dành cho các doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí đến từ Hà Nội. Theo đó, các đại biểu, doanh nghiệp đã tham quan, trải nghiệm tại hồ Cấm Sơn, vùng vải sản xuất theo quy trình GlobalGap và khu giới thiệu sản phẩm làng nghề mỳ Chũ.
Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thành lập Hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả tại các xã Mỹ An, Tân Mộc, Quý Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Trụ Hựu, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn; có 7 điểm du lịch cộng đồng được công nhận; mỗi điểm có từ 10-20 hộ dân tham gia làm du lịch; thu hút 1 triệu khách đến tham quan, trải nghiệm vào năm 2025. Năm 2030, phấn đấu có thêm 7 điểm du lịch cộng đồng được công nhận; mỗi điểm có từ 30 hộ dân tham gia làm du lịch; thu hút 1,5 triệu khách đến tham quan, trải nghiệm vào năm 2030.
|
Thanh Hoàng