Nhiều ưu đãi, hỗ trợ
Từ năm 2012 đến nay, một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nhận được ưu đãi, hỗ trợ thông qua đề án “Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2014 - 2020” của tỉnh. Bên cạnh những hỗ trợ của tỉnh, các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Tại Sơn Động, ngoài Hợp tác xã Dịch vụ du lịch cộng đồng An Lạc, huyện đang xúc tiến thành lập thêm Hợp tác xã du lịch cộng đồng tại thôn Nà Hin (xã Vân Sơn).

Du khách nước ngoài thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc ở thôn Nà Ó (Sơn Động)
Tháng 10/2020, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Theo đó, thực hiện một số nhiệm vụ như: thuê đơn vị tư vấn xây dựng điểm du lịch cộng đồng; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng giao tiếp, chế biến món ăn, nghiệp vụ quản lý vận hành điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng; từng bước quy hoạch các điểm tham quan, vui chơi giải trí phù hợp; hỗ trợ người dân mua sắm một số thiết bị như chăn, ga, gối, đệm, màn, rèm, quạt, trang thiết bị biểu diễn văn nghệ; hỗ trợ xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà truyền thống, nhà văn hóa, nhà vệ sinh cho hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ giống cây, con đặc sản, bản địa để cung cấp thực phẩm, ẩm thực; thiết kế chương trình tham quan, trải nghiệm qua các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản cho du khách... Với những giải pháp trên, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động tại chỗ.
Nâng tính chuyên nghiệp
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang Trần Minh Hà, để phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả, một trong những yếu tố then chốt là phải huy động được sự vào cuộc của người dân sở tại và xuất phát từ chính lợi ích của bà con. Tiếp đó là từng bước hình thành các nhóm hộ liên kết làm du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân chú trọng khai thác các yêu tố đặc sắc, đặc trưng từng dân tộc, vùng miền; đồng thời, có sự định hướng để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, Bắc Giang sẽ tập trung cao cho du lịch cộng đồng xã An Lạc và xã Xuân Lương; cùng với đó là khuyến khích các khu vực lân cận tham gia với vai trò “vệ tinh” cung cấp các sản phẩm, đặc sản địa phương cho du khách.
Từ sự hỗ trợ của tỉnh và các địa phương, một số hộ dân đã xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, bước đầu thu được hiệu quả rõ rệt. Thôn Nà Ó (xã An Lạc, Sơn Động) nằm bên rừng nguyên sinh Khe Rỗ với phong cảnh núi non, suối nước đẹp. Thôn có hơn 50 hộ, phần lớn là dân tộc Tày, Nùng. Ấn tượng đầu tiên khi đến Nà Ó là những nếp nhà sàn, nhà đất ngả màu nâu. Tuyến đường vào bản hay lên rừng Khe Rỗ được bố trí thùng đựng rác, tổ dịch vụ thu gom xử lý theo định kỳ. Nhận thấy tiềm năng lớn, một số chương trình của nhà nước, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà sàn văn hóa, tổ chức tập huấn làm du lịch cộng đồng; thành lập các tổ dịch vụ văn hóa ẩm thực, hướng dẫn viên, biểu diễn văn nghệ, nuôi ong, làm thuốc Nam, vệ sinh môi trường, dịch vụ bán hàng lưu niệm, được cấp phát một số đồ dùng sinh hoạt phục vụ nhu cầu của du khách. Một số hộ tham gia học tập kinh nghiệm ở các tỉnh và dần quen với làm du lịch cộng đồng.
Nếu như xã An Lạc có lợi thế bởi rừng nguyên sinh Khe Rỗ, phong tục văn hóa dân tộc Tày, Nùng thì nền tảng cho sản phẩm du lịch cộng đồng ở xã Xuân Lương (Yên Thế) là những nương chè bát ngát trên các thửa ruộng bậc thang xanh mướt, phong tục tập quán của đồng bào Cao Lan, thiên nhiên hồ Ngạc Hai, thác Ngà... Tại bản Ven có Hợp tác xã Thân Trường với 20 hộ xã viên, cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh, trong đó điểm nhấn là nhà sàn truyền thống và các điều kiện khác đủ đáp ứng cho nhiều đoàn khách tham quan. Bản Ven đang là điểm thu hút nhiều du khách dừng chân, đặt các dịch vụ ăn, nghỉ, trung bình mỗi năm đón khoảng 50 nghìn lượt khách.

Nơi bày bán thuốc Nam của đồng bào dân tộc tại bản Ven (Yên Thế)
Ông Dương Minh Bình - Chủ tịch Công ty Tư vấn dịch vụ và phát triển du lịch CBT cho rằng, Bắc Giang xuất hiện du lịch cộng đồng sớm hơn so với nhiều địa phương trong nước nhưng tiếc là đến nay lại phát triển sau, trong khi tỉnh có nhiều lợi thế, đặc biệt là xã An Lạc rất gần với tỉnh Quảng Ninh và các khu du lịch khác của tỉnh. Nếu làm tốt, mỗi năm An Lạc chỉ cần thu hút 0,1% lượng khách từ Quảng Ninh sang thì bảo đảm sẽ không đủ sức đón khách.
Cũng theo ông Dương Minh Bình, du lịch cộng đồng đang có ở nhiều nơi nhưng hầu như chưa được quy hoạch bài bản, Bắc Giang không ngoại lệ. Đầu tư cho du lịch cộng đồng không cần nhiều chi phí, du khách đến với loại hình này không đòi hỏi quá cao về các dịch vụ, họ cần sự mộc mạc chân quê, tất nhiên phải đi đôi với lịch lãm, bảo đảm vệ sinh từ chỗ nghỉ, đến thực phẩm an toàn... Họ đến để đi bộ ngắm cảnh, trải nghiệm tắm suối, leo núi hơn là hưởng thụ dịch vụ cao cấp khác… Chính cách hiểu lệch lạc đã dẫn tới cách làm sai tại một số địa phương, vô tình làm phá vỡ không gian, cảnh quan và mất dần bản sắc.
Một trong những kinh nghiệm ông Dương Minh Bình muốn nhấn mạnh đó là phải đề cao tính cộng đồng, phải có được sự tham gia rộng rãi của người dân, người dân phải trở thành chủ thể, được đảm bảo lợi ích; cần hướng dẫn bà con thực hiện từng bước, trước tiên là điều kiện ăn, nghỉ như. Sau khi bảo đảm điều kiện ăn nghỉ mới tính đến chuyện xây dựng không gian xung quanh bản làng làm chỗ trải nghiệm cho khách.
Kim Sa