Bùi Công Kỳ sinh ngày 29/11/1919 tại TP. Nam Định. Lên Hà Nội cùng Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ có cùng một niềm say mê âm nhạc; song, Đặng Thế Phong đã rất nổi tiếng với “Con thuyền không bến”, “Giọt mưa thu”… và đã bạc mệnh khá sớm vào năm 1942, Bùi Công Kỳ vẫn im hơi lặng tiếng. Cho đến những ngày đầu khởi nghĩa, Bùi Công Kỳ mới được biết đến qua bài hát “Hồn Việt Nam” do chính ông biểu diễn trong chương trình của đoàn kịch Anh Vũ do Thế Lữ và Nguyễn Xuân Khoát chỉ đạo. Bùi Công Kỳ cũng vinh dự tham gia trong đông đảo đồng bào Thủ đô mít-tinh dự lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Và buổi chiều lịch sử ấy đã ám ảnh khôn nguôi trong tâm hồn người nhạc sĩ trẻ. Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Công Kỳ công tác tại Ty Thông tin Phú Thọ. Bùi Công Kỳ viết về ngày Tuyên ngôn Độc lập. Và thế là “Ba Đình nắng” đã ra đời – đó là tháng 7/1947.
Bùi Công Kỳ đã mở đầu “Ba Đình nắng” bằng việc tả ngọn gió ở Ba Đình với giai điệu hơi chậm, nhẹ và nhiều chùm nốt luyến bốn nốt móc đơn trong nhịp 2/4:
Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới
Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào
Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi
Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao
Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào
Sao vàng mọc muôn sao vàng tung cánh
Đấy là ngọn gió của hồi tưởng về chiều Tuyên ngôn Độc lập. Ngọn gió được thổi bằng ngôn từ của nhà thơ Vũ Hoàng Địch với hơi thở “Dạ đài”. Bùi Công Kỳ mô tả cả Hà Nội như một đài hoa lớn – đài hoa nở đón độc lập tự do:
Ba mươi sáu phố phường hôm ấy
Là những ngành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô
Đoạn nhạc nhịp nhàng và du dương để rồi bùng nổ vui hoạt với những đảo phách ấn tượng:
Hoan hô ta đón cha về
Đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập
Haha! Có tiếng người reo, sao vàng vừa mọc
Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công
Âm nhạc lại chuyển sang điệu Rê trưởng và mở đầu độc đáo bằng một câu hát nói. Đó là lời Bác hỏi đồng bào ở giữa bản Tuyên ngôn: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Câu hát nói này là đóng góp đầu tiên của Bùi Công Kỳ, đặt nền móng cho nền kịch hát Việt Nam sau này với những đoạn hát nói trong các vở nhạc kịch như "Cô Sao" (Đỗ Nhuận), "Bên bờ Kroongpa" (Nhật Lai). Sau câu hát nói, âm nhạc rưng rưng lên cao trào diễn tả hình tượng Bác Hồ như bức tượng âm thanh lồng lộng giữa Tổ quốc.
Nắng Ba Đình ngày Tuyên ngôn Độc lập đã lan tỏa trong âm nhạc Bùi Công Kỳ đã lấp loáng tới tận cả những ngày thu mơ ước của thanh bình. Lúc ấy, hình ảnh người thương binh chiến thắng trở về giữa đoàn thiếu nhi tung tăng thơ trẻ cũng chính là hiện hữu của ánh nắng đó trong một tương lai tươi sáng:
Tôi về đây lắng nghe trong gió mùa thơm ngát
Đoàn thiếu nhi đang tưng bừng ca hát vang trời
Tôi về đây lắng nghe trên quãng đường tiến bước
Anh thương binh trong chiều vàng đang hát vang lừng
Nhìn cờ trên kỳ đài phơi phới
Anh thầm tin sắp tới thu nào
Âm nhạc bỗng nhẹ bẫng chuyển về điệu Rê trưởng với những chùm ba luyến lộng lẫy sáng láng:
Thu ngày mai, thu thanh bình đời đời sẽ hết điêu linh
Thu ngày mai, thu chiến thắng, cờ vươn lên trong nắng hồng tươi
Cả Bùi Công Kỳ và Vũ Hoàng Địch đều được đón nhận những mùa thu huyền diệu này. Năm 1985, Bùi Công Kỳ mới tạ thế. Còn Vũ Hoàng Địch cũng mới đi xa vài năm gần đây. Họ ra đi để lại một “Ba Đình nắng” mãi mãi.
Nguyễn Thụy Kha